'Số học sinh, sinh viên tiếp cận với sách ở thư viện rất thấp'

Theo ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, số học sinh và sinh viên tiếp cận với sách tại thư viện rất thấp, và đó là một thực trạng đáng buồn.

Giới xuất bản nói gì trước những tín hiệu vui sau 5 năm Ngày Sách Theo bà Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ, văn hóa đọc ở Việt Nam cần phát triển theo chiều sâu, trở thành thói quen của người dân.

Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đã có những trao đổi thẳng thắn với Zing.vn về thực trạng văn hóa đọc của người Việt, những khó khăn khi phát triển văn hóa đọc cho học sinh ngay tại trường học.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng văn hóa đọc của Việt Nam?

Văn hóa đọc sách của người Việt Nam hiện rất thấp. Nếu không tính sách giáo khoa, mỗi năm người Việt đọc chưa tới 1 cuốn sách. Chỉ thị 42 -CT/TƯ của Ban Bí thư về Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản đã yêu cầu đến năm 2010 nâng số đầu sách lên 6 bản mỗi người trong năm. Tuy nhiên, 10 năm nay, chỉ tiêu đó vẫn không đạt được.

Tiếp đó, Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 cũng yêu cầu hơn 85% người sử dụng thư viện (đối với học sinh sinh viên là 90%).

Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.

Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.

Theo số liệu của ngành thư viện thì hiện nay mức học sinh, sinh viên tiếp cận với sách tại thư viện rất thấp, nên so với mục tiêu phấn đấu trên còn sự chênh lệch quá lớn.

Đó là điều khiến những người hoạt động trong ngành xuất bản như chúng tôi phải trăn trở. Theo tôi, muốn nâng cao văn hóa đọc trước tiên phải làm từ gốc nghĩa là phải giúp cho trẻ hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ.

Trẻ em Việt Nam chưa tạo được thói quen đọc sách

Theo ông, do đâu mà nhiều năm qua khi kinh tế phát triển, người Việt vẫn đọc sách ít?

Tại sao sức đọc của người Việt Nam lại quá thấp như vậy? Vì người Việt Nam không có thói quen đọc sách. Mà tại sao cộng đồng Việt Nam không có thói quen đọc sách? Là bởi từ ngày nhỏ hầu hết trẻ em Việt chưa được tạo dựng thói quen hữu ích này.

Do vậy muốn phát triển văn hóa đọc phải đi vào cốt lõi của vấn đề, đi từ cái nguyên nhân của nguyên nhân vấn đề. Đó là phải làm sao tạo dựng cho được thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ.

Chúng ta phải làm việc này ngay, không thể để chậm trễ hơn nữa. Nếu chúng ta không tìm cách hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ bây giờ thì sau khi lớn lên khó tạo lập được thói quen này.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong bài tham luận gửi về cho ban tổ chức tọa đàm cho rằng: “Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả 'khám phá kho báu tri thức' hay 'nâng cao văn hóa đọc' như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”.

Nếu không đọc sách thì làm sao có được một xã hội học tập, làm sao để thực hiện việc học tập suốt đời. Cách đây vài năm, có một cuộc khảo sát cho thấy có 80% người Việt không đọc sách một năm qua. Đó là một thực tế đáng buồn.

Ông Hoàng cho rằng phát triển văn hóa đọc mới đẩy mạnh phát triển ngành xuất bản.

Theo ông, trong việc đưa sách gần hơn với học sinh khó khăn như thế nào?

Buổi tọa đàm Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ vào ngày 19/4 chỉ ra những nguyên nhân của sức đọc yếu kém. Tất nhiên cũng có những điển hình tiên tiến từ các trường tiểu học, THCS, THPT làm tốt việc đọc sách cho học sinh, góp phần bước đầu hình thành thói quen đọc sách cho trẻ tại nhà trường.

Tuy nhiên những gương điển hình đó chỉ là những cánh én lẻ loi, chưa được tăng lên, nâng lên thành phổ biến ở các trường. Điều đó là do điểm nghẽn từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bây giờ, trong khung giờ học vẫn không có tiết đọc chính thức cho học sinh.

Ngoài ra, hoạt động thư viện thì còn nhiều tồn tại. Cơ sở vật chất của nhiều thư viện, nhất là ở các tỉnh, vùng kinh tế khó khăn, phòng ốc nhỏ, chật hẹp, trang thiết bị không đủ, không phù hợp. Nhiều thư viện ở các trường bố trí trên lầu 3-4, hoặc gần nhà vệ sinh.

Nguồn sách hiện hữu và bổ sung không phù hợp và đáp ứng được nhu cầu, không lôi cuốn học sinh đọc. Đó là bộ sách dày cộm, trong khi các em thích sách màu, ít chữ, hình vẽ sinh động.

Chính sách dành cho cán bộ thư viện chưa đảm bảo nên không giữ chân lâu dài được họ. Thực trạng hiện nay là nhiều bảo mẫu, giáo viên, nhân viên văn phòng kiêm nhiệm làm thư viện. Như vậy, họ không thể toàn tâm toàn ý cho việc phát triển văn hóa đọc.

Nguồn sách bổ sung cho các thư viện trường học hạn hẹp. Việc bố trí giờ giấc cho các em chủ yếu vào giờ ra chơi, không phù hợp bởi giờ đó các em mệt mỏi, cần chạy nhảy, tái tạo năng lượng. Lúc đó, các em chỉ đọc truyện tranh giải trí thôi.

Những kiến nghị để xây dựng văn hóa đọc

Ông kỳ vọng gì vào kết quả của buổi tọa đàm "Làm gì để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ"?

Chúng tôi kỳ vọng vào kết quả của buổi tọa đàm sẽ dẫn tới sự thay đổi trong nhận thức mỗi người, các cấp lãnh đạo về việc phát triển văn hóa đọc. Ở cuộc tọa đàm, nội dung không chỉ nêu lên thực trạng yếu kém của văn hóa đọc mà vẫn có những bài tham luận, từ những cánh én góp phần cho văn hóa đọc phát triển.

Từ tiếng nói chung, qua kết luận của tọa đàm, Hội Xuất bản sẽ hình thành nên kiến nghị gửi lên cấp cao, Chính phủ, Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục để có tháo gỡ khó khăn, xây dựng phát triển văn hóa đọc.

Hội Xuất bản Việt Nam sẽ có kiến nghị đến Chính phủ, Bộ Giáo dục để đưa tiết đọc sách vào khung giờ của chương trình học.

Nếu chỉ có một cuộc tọa đàm, sẽ khó có sự thay đổi nếu không có hành động. Vậy sau tọa đàm, Hội Xuất bản Việt Nam có những dự án, chương trình hay những đề xuất kiến nghị gì cụ thể?

Những trường học chúng tôi đi khảo sát, những nơi đã làm được nhưng tất cả chỉ là bước đầu, cũng chưa thực sự vững mạnh. Hội sẽ tiếp sức đến những tổ chức đó bằng cách kết nối với các trung tâm, để hướng dẫn tốt cho các em việc đọc sách. Hội vận động các mạnh thường quân để cung ứng những đầu sách phù hợp với các em.

Đó là bước đầu mà hội tiếp tục tiếp sức cho các nơi có hoạt động thư viện, tiết đọc sách tốt, giúp họ trở thành điển hình thực sự, chứng minh việc đọc sách mang lại kết quả tốt đẹp.

Thành viên Ban tổ chức tọa đàm là Sở Thông tin và Truyền thông sẽ có kế hoạch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất kiến nghị UBND thành phố cho chủ trương vận dụng các khung giờ thích hợp để đưa “tiết đọc sách” vào hệ thống chương trình giáo dục, bằng việc xây dựng thí điểm một số trường tiểu học công lập rồi nhân rộng ra trên cả địa bàn thành phố.

Trên bình diện cả nước, chúng tôi thống nhất là Hội Xuất bản Việt Nam sẽ có những kiến nghị với Bộ Giáo Dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng nghiên cứu để có chủ trương xây dựng chương trình học có tiết, giờ đọc sách chính thức áp dụng cho tất cả các trường tiểu học, phổ thông trên cả nước.

Bích Hằng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/so-hoc-sinh-sinh-vien-tiep-can-voi-sach-o-thu-vien-rat-thap-post937244.html