Số hóa truyền hình gặp nhiều thách thức

Nhiều doanh nghiệp truyền hình trong nước cho rằng, chính sách cho các ứng dụng OTT chưa có sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước so với các nước ngoài.

Truyền hình trả tiền như Netflix, Amazon đang được hưởng nhiều "ưu đãi" hơn

Truyền hình trả tiền như Netflix, Amazon đang được hưởng nhiều "ưu đãi" hơn

Trong năm nay, Bộ TT&TT đã xác định xây dựng chính sách Phát triển công nghiệp ICT là một trong 6 lĩnh vực ưu tiên của Bộ. Công nghiệp nội dung số, trong đó có ngành truyền hình, giải trí là một cấu phần quan trọng trong công nghiệp nội dung số, đồng thời cũng là ngành chứng kiến tiến trình chuyển đổi số mạnh mẽ, nhanh chóng nhất hiện nay.

Trong năm 2016, nền kinh tế số toàn cầu đạt 11,5 nghìn tỷ USD, chiếm 15,5% GDP toàn cầu. Chưa đầy một thập kỷ nữa, tỷ lệ này được dự kiến sẽ lên đến 25%. Ngày nay, 6/10 công ty lớn nhất thế giới là các công ty công nghệ. Trong đó, Apple gần đây đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới đạt giá trị trên 1 nghìn tỷ USD. Tất cả các công ty này đều có điểm chung là tận dụng các công nghệ đột phá và chuyển đổi để sản xuất và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, nội dung một cách hiệu quả hơn.

Về mức độ tập trung của nền tảng kinh doanh số, theo UNCTAD, châu Á chiếm 42 nền tảng và chỉ xếp thứ 2 sau Bắc Mỹ (với 63 nền tảng). Các thương hiệu nổi tiếng như Alibaba, JD.com, Gojek, Grab, Lazada, Softbank đều thành lập tại châu Á. Điều nay cho thấy tiềm năng và cơ hội cho Việt Nam khi nằm trong một thị trưởng năng động và đang phát triển hết sức mạnh mẽ, ở một quy mô chưa từng thấy.

Theo nghiên cứu của Alpha Beta, doanh nghiệp nghiên cứu thị trường châu Á - Thái Bình Dương, về tác động kinh tế của dịch vụ video theo yêu cầu (VOD) tại châu Á, từ nay đến năm 2022, mức đầu tư cho VOD sẽ tăng gấp 3,7 lần so với năm 2017, lên đến hơn 10 tỷ USD, dự báo mang lại lợi nhuận gấp 3 lần giá trị đầu tư.

Mức tăng VOD cũng sẽ giúp ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình Việt Nam lọt top đầu Đông Nam Á vào năm 2020 và châu Á vào năm 2030, trở thành một trung tâm sản xuất điện ảnh, truyền hình lớn của khu vực.

Đối với thị trường Việt Nam, VOD mang đến nhiều lợi ích bên cạnh đầu tư vào nội dung, hỗ trợ trực tiếp cho Chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, giúp Việt Nam hội nhập quốc tế, thuộc tốp đầu về điện ảnh ở Đông Nam Á vào năm 2020 và ở châu Á vào năm 2030. Nếu kết hợp những lợi thế vốn có, tạo điều kiện khuyến khích sản xuất và môi trường hỗ trợ, Việt Nam có thể hướng tới trở thành một trung tâm sản xuất của khu vực.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam khẳng định, dịch vụ số cung cấp qua hình thức OTT (truyền hình qua mạng internet trong đó bao gồm VOD), có sự khác biệt căn bản với dịch vụ phát thanh truyền hình truyền thống, do đó yêu cầu và cách thức quản lý nhà nước đối với các nhóm OTT nên có sự khác biệt. Vì vậy, cần xây dựng một khung pháp lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của loại hình dịch vụ này.

Tuy nhiên, theo doanh nghiệp hiện nay quy định chính sách chưa có sự công bằng giữa doanh nghiệp truyền hình trong nước so với các ứng dụng OTT nước ngoài như Netflix, Amazon, iFlix, cần phải kiểm duyệt nội dung và nộp thuế bình đẳng như nhau. Không nên cổ xúy cho bảo hộ ngược các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới.

Theo ông Trần Văn Úy - Chủ tịch VNPayTV cho biết, truyền hình ở Việt Nam đã và đang truyền dẫn trên nhiều phương thức khác nhau như: vệ tinh, cáp, số mặt đất, IPTV, OTT. Nội dung phát trên OTT đều là các chương trình truyền hình, ca nhạc, văn hóa, phim, được đóng gói rồi phát trên OTT bằng hình thức truyền qua Internet. Truyền hình truyền thống đã truyền dẫn nhiều phương thức khác nhau, trong đó có OTT. Trên truyền hình truyền thống, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy bị kiểm duyệt, do đó, để công bằng, khách quan và bình đẳng, nội dung trên OTT cũng phải kiểm duyệt tương tự như vậy. Một quốc gia có “hàng rào”, nội dung khi đã phát sóng vào Việt Nam là phải có kiểm duyệt, đó chưa kể đến trên Amazon, Netflix có nhiều chương trình nội dung vô cùng nhạy cảm.

Chủ tịch VNPayTV cũng khẳng định: “Không nên cổ xúy cho bảo hộ ngược”. Hiện Luật Báo chí, Luật Điện ảnh đã quy định rõ về những nội dung phải được kiểm duyệt. Ví dụ như quy định các đài truyền hình trả tiền phải phát sóng 70% nội dung trong nước là để thúc đẩy muốn nền công nghiệp điện ảnh nước nhà phát triển.

Do đó, khi các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam cũng phải đảm bảo thực hiện pháp luật giống như doanh nghiệp trong nước. Truyền hình Việt Nam không sợ, không ngại nhưng đã vào Việt Nam là phải công bằng, bình đẳng như nhau.

Tuy nhiên, theo Đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam và Hiệp hội Truyền hình đa kênh Châu Á (AVIA- trước đây là Hiệp hội Truyền hình trả tiền châu Á Thái Bình Dương), ông Vũ Tú Thành cho biết không một quốc gia nào ở khu vực ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay Úc yêu cầu nhà cung cấp các dịch vụ nội dung OTT phải được cấp phép. Các quy định cấp phép phức tạp hiện đang được áp dụng cho dịch vụ truyền hình truyền thống, nếu được áp dụng cho các dịch vụ OTT sẽ là không phù hợp và làm Việt Nam xa rời hơn với các thông lệ quốc tế.

Nguyễn Long

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/so-hoa-truyen-hinh-gap-nhieu-thach-thuc-150229.html