Số hóa quá trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch triển khai phiên bản sổ điện tử theo dõi bà mẹ và trẻ em (Sổ Mẹ và Bé) vào hồ sơ theo dõi sức khỏe cá nhân, tiến hành số hóa quá trình chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em.

Bộ Y tế đã nhân rộng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên nhiều tỉnh thành. (Nguồn: Bibomart)

Bộ Y tế đã nhân rộng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên nhiều tỉnh thành. (Nguồn: Bibomart)

Ngày 22/10, Bộ Y tế đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo tăng cường triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em và miếng dán “Tôi đang mang thai”.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên nhiên kỷ MDGs về sức khỏe bà mẹ, trẻ em như: Tử vong mẹ đã giảm ba lần; tử vong trẻ em dưới một tuổi đã giảm gần 3 lần; tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm hơn 50%...

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khó khăn như: Còn có sự khác biệt khá lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền (vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 3-4 lần vùng đồng bằng); tử vong sơ sinh còn cao và giảm chậm.

Nghị quyết 20/ NQ-TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6, khóa XII và các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs) đã xác định các chỉ tiêu về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em Việt Nam cần thực hiện vào năm 2030.

Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp, can thiệp trong đó có những can thiệp, mô hình đã được chứng minh có hiệu quả Việt Nam cũng như trên thế giới như Sổ theo dõi sức khỏe Bà mẹ và trẻ em có xuất xứ từ Nhật Bản. Trên cơ sở kết quả thí điểm, Bộ Y tế đã chỉ đạo từng bước nhân rộng việc áp dụng Sổ theo dõi sức khỏe Bà mẹ và trẻ em trong toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả các bệnh viện ngoài công lập.

Từ năm 2011-2014, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở 4 tỉnh gồm Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang. Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được sử dụng như một công cụ để chăm sóc, theo dõi sức khỏe liên tục cho bà mẹ trong thời gian mang thai, sinh đẻ, sau đẻ và cho trẻ em đến khi trẻ được 6 tuổi.

Bộ Y tế đã nhân rộng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên nhiều tỉnh thành; đồng thời, ban hành quy định về sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên phạm vi toàn quốc.

Hiện Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch triển khai phiên bản điện tử sổ theo dõi bà mẹ trẻ em (Sổ Mẹ và Bé) vào hồ sơ theo dõi sức khỏe cá nhân, tiến hành số hóa quá trình chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em.

Thống kê cho thấy, mỗi ngày Việt nam có 40 trẻ sơ sinh tử vong và 2 bà mẹ không thể qua khỏi. Ở vùng sâu và vùng xa, tỷ lệ tử vong sức khỏe bà mẹ, trẻ em lớn gấp 3 lần những khu vực khác. Nếu sử dụng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em hiệu quả, tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em sẽ được giảm thiểu. Đến nay, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã được triển khai trên toàn quốc. Đây là công cụ hữu hiệu theo dõi sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ tai biến của sản phụ trong khi mang thai.

Đối tượng chính sử dụng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em là các bà mẹ mang thai, các thành viên trong gia đình, cán bộ y tế. Sổ được sử dụng trong phạm vi toàn quốc gồm các cơ sở y tế, phòng khám, bệnh viện, kể cả cơ sở y tế ngoài công lập, cơ sở y tế tại trường mầm non và mẫu giáo. Không chỉ vậy, sổ còn được sử dụng thay thế sổ khám bệnh, sổ y bạ, sổ khám thai, phiếu tiêm chủng cho phụ nữ có thai và trẻ đến 6 tuổi.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/so-hoa-qua-trinh-cham-soc-suc-khoe-ba-me-va-tre-em-127031.html