Số hóa ngành dược, kết nối 61.000 nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trên toàn quốc

Cục quản lý Dược vừa tổ chức lễ công bố số hóa và kế hoạch chuyển đổi số ngành dược kết nối các nhà thuốc, quầy thuốc.

Tập đoàn Viettel đã đồng hành cùng Cục quản lý Dược trong quá trình số hóa công tác quản lý và tiến tới quá trình chuyển đổi số ngành dược.

Cụ thể, từ năm 2018, Cục Quản lý Dược đã xây dựng, kết nối và liên thông thành công 13 dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia trong các lĩnh vực: xuất/nhập khẩu thuốc và công bố mỹ phẩm. Từ ngày 01/7/2019 đến nay, đã xử lý hồ sơ, thông quan điện tử 10.943 đơn hàng nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc, 156.917 số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu.

Song song đó, Cục quản lý Dược đã hoàn thành và cung cấp 93 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp (đạt 100%) được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Bộ Y tế, với tất cả các lĩnh vực: Đăng ký thuốc, xuất/nhập khẩu kinh doanh thuốc, kê khai/kê khai lại giá thuốc, quản lý chất lượng thuốc và công bố mỹ phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Cục, giúp giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ, tăng tính công khai, minh bạch, giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ.

Bấm nút công bố số hóa và kế hoạch chuyển đổi số ngành dược

Bấm nút công bố số hóa và kế hoạch chuyển đổi số ngành dược

Đặc biệt, với sự ra đời của Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dược – “cánh tay nối dài” từ Cục quản lý Dược xuống đến từng nhà thuốc, từng người sử dụng thuốc; đã và đang kết nối trên 61.000 nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trên toàn quốc. Sau chỉ 12 tháng, đã hoàn thành kết nối 63/63 tỉnh/thành phố, quản lý hơn 7,2 triệu đơn thuốc, 26,7 triệu hóa đơn bán hàng, gần 4 triệu phiếu xuất nhập kho, hỗ trợ cho công tác kiểm soát chất lượng thuốc. Quản lý thông tin viên thuốc từ lúc sản xuất, nhập khẩu đến tận tay người tiêu dùng, đảm bảo xuất xứ, nguồn gốc, chống lại tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc.

Từ đầu năm 2020, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn thế giới, Cục Quản lý Dược đã chủ động phối hợp với Viettel và các đơn vị liên quan xây dựng phần mềm để các cơ sở sản xuất thuốc, nhập khẩu thuốc báo cáo liên tục việc xuất, nhập, tồn cũng như kế hoạch sản xuất, nhập khẩu các thuốc được khuyến nghị sử dụng trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 với 48 hoạt chất. Trong thời gian tới, Cục Quản lý Dược sẽ tiếp tục phát triển phần mềm kết nối tới tất cả các nhà máy để quản lý và có số liệu báo cáo, thống kê của khoảng 700 hoạt chất dùng trong sản xuất thuốc tại Việt Nam.

Hệ thống quản lý thông tin chứng chỉ hành nghề, giám sát toàn bộ 100% việc cấp giấy chứng chỉ hành nghề dược, đảm bảo không trùng lặp các thông tin của chứng chỉ. Gần 110.000 thông tin chứng chỉ hành nghề dược tại trên 61.000 cơ sở kinh doanh (bản lẻ) và 4.000 cơ sở kinh doanh (bán buôn, sản xuất xuất nhập khẩu) từ năm 2009 đến nay được giám sát chặt chẽ.

Ông Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết: “Mục tiêu mà ngành Dược hướng tới đó là đảm bảo chất lượng thuốc, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, giá cả và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất trên môi trường mạng”.

Ông Lê Đăng Dũng – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cũng nhấn mạnh: “Viettel sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Dược, hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm, áp dụng các công nghệ hiện đại mới nhất của mình, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, phân tích dữ liệu lớn Big Data… để giúp quá trình chuyển đổi số ngành Dược hiệu quả hơn”.

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Cục Quản lý Dược xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ngành dược giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 với quyết tâm đến năm 2023 hoàn thành các mục tiêu sau:

Đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;

Tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính thông qua các dịch vụ công trực tuyến;

Số hóa 100% thông tin, dữ liệu thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, cập nhật lên Ngân hàng dữ liệu ngành dược;

Đảm bảo 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật);

100% các hệ thống thông tin ngành dược có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ; dữ liệu, thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại Cục Quản lý Dược thì không phải cung cấp lại.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/so-hoa-nganh-duoc-ket-noi-61000-nha-thuoc-quay-thuoc-tu-thuoc-tren-toan-quoc-d160339.html