'Số hóa' hồ sơ vụ án: Nâng nghiệp vụ, giảm áp lực giấy tờ ở VKSND tỉnh Bắc Giang

Năm 2020, việc phối hợp triển khai 'số hóa' hồ sơ vụ án giữa VKSND) và TAND tỉnh Bắc Giang được triển khai hiệu quả ở hai cấp. Thông qua những phiên tòa sử dụng hồ sơ bản án được 'số hóa' và chứng cứ 'điện tử'giúp các cơ quan tố tụng thuận tiện trong khai thác, công bố tài liệu, chứng cứ khi tranh tụng tại phiên xét xử.

Rõ ràng chứng cứ khi tranh tụng

Tháng 11/2020, VKSND huyện Lạng Giang phối hợp với TAND huyện đưa ra xét xử bị cáo Đặng Văn Cường (SN 1985), trú tại thôn Mỹ Phúc, xã Đào Mỹ về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Đây là 1 trong 35 phiên tòa được ngành kiểm sát tỉnh sử dụng hồ sơ bản án được “số hóa” và chứng cứ “điện tử”, tăng 23 phiên so với năm trước.

Theo cáo trạng, ngày 8/7/2020, cơ quan công an bắt quả tang Đặng Văn Cường tàng trữ trái phép 1,86 gam ma túy. Quá trình điều tra cũng như xét xử, Cường không thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

 Phiên tòa xét xử Đặng Văn Cường Tàng trữ trái phép chất ma túy.

Phiên tòa xét xử Đặng Văn Cường Tàng trữ trái phép chất ma túy.

Tại phiên tòa có sự tham dự trực tiếp của lãnh đạo VKSND tỉnh và đại diện các phòng nghiệp vụ, thanh tra, kiểm sát viên (KSV) tham gia xét hỏi, tranh luận đã công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, video trích xuất camera tại thời điểm bắt và thu giữ ma túy của Cường trước Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo và người dân tham dự để làm rõ nội dung, tình tiết của vụ án, bảo vệ quan điểm truy tố của Viện Kiểm sát.

Sau khi được xem video trình chiếu, bị cáo đã nhận thức rõ được hành vi phạm tội. Đây cũng là căn cứ để HĐXX đã tuyên phạt Cường 3 năm tù giam về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Cùng thời điểm, thực hiện Hướng dẫn của phòng 7, VKSND tỉnh về thực hiện “số hóa” hồ sơ vụ án hình sự, VKSND huyện Lục Ngạn đã phối hợp với TAND huyện tổ chức phiên tòa xét xử Hoàng Xuân Trình là công chức Địa chính-Xây dựng xã Phì Điền phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Trong thời gian từ tháng 6/2006 đến 9/2016, Trình đã lợi dụng chức vụ công tác hứa hẹn làm thủ tục, hồ sơ để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhận của 5 hộ dân gần 42 triệu đồng.

Đây là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xảy ra trong thời gian dài, bị cáo đã dùng nhiều thủ đoạn để đối phó. Trong quá trình giải quyết vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, VKSND huyện đã thu thập nhiều chứng cứ, tài liệu.

Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiện tòa, KSV Đào Duy Đông cùng chuyên viên hỗ trợ Ngô Văn Định đã trình chiếu nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan có trong hồ sơ vụ án được “số hóa” để làm dẫn chứng. Đồng thời phân tích, đánh giá đầy đủ, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm đã khiến bị cáo Tình thừa nhận hành vi phạm tội.

Trên cơ sở đề nghị mức án của đại diện Viện Kiểm sát, HĐXX đã tuyên phạt Hoàng Xuân Tình 4 năm tù giam, cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến địa chính-xây dựng trong 3 năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù.

Giữ vững tốp đầu về ứng dụng CNTT

Theo đánh giá của đồng chí Lê Đình Tuấn, Viện trưởng VKSND huyện Lạng Giang, mặc dù chưa có Thông tư liên ngành giữa Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao, nhưng khi phối hợp triển khai phiên tòa “số hóa” hồ sơ với TAND cùng cấp đã cho thấy rõ hiệu quả.

Đơn cử như một vụ án được “số hóa” sẽ không phải in ấn, chuyển hóa các chứng cứ "điện tử" thành giấy tờ nên giảm bớt được chi phí. Thuận lợi cho việc lưu trữ, có thể truy xuất dữ liệu mọi lúc, mọi nơi, nhất là việc tìm kiếm tài liệu đối với những vụ án phức tạp có hàng nghìn trang hồ sơ, vài trăm bút lục.

VKSND và TAND huyện Lạng Giang tổ chức họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa.

Bên cạnh đó, áp dụng “số hóa” ngay từ giai đoạn xử lý nguồn tin về tội phạm sẽ giúp các điều tra viên, KSV không phải “ôm cặp” tài liệu khi đi làm việc với người bị tố giác, bị can, người liên quan và nhân chứng ở địa bàn xa; thuận tiện cho việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, cung cấp cho người bào chữa, những người tham gia vụ án được quyền sao chụp tài liệu, cũng như việc báo cáo án cho lãnh đạo nghiên cứu hồ sơ, hoạt động tranh tụng tại phiên tòa sẽ giúp KSV chủ động trong quá trình tranh luận, đưa ra các quan điểm chính xác và có tính thuyết phục cao.

Trong năm 2020, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp, cơ quan điều tra 2 cấp đã khởi tố 1.626 vụ, 2.361 bị can, tăng 178 vụ, 616 bị can so với năm 2019, trong đó có nhiều vụ án phức tạp, tính tranh tụng cao tại các phiên xét xử.

KSV Hoàng Tùng, Trưởng phòng 7, VKSND tỉnh khẳng định: “Việc trình chiếu công khai các tài liệu, hình ảnh, chứng cứ tại phiên tòa không chỉ có hiệu quả trong việc chứng minh tội phạm, buộc các bị cáo phải thừa nhận hành vi phạm tội, mà còn giúp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của KSV.

Áp dụng “số hóa” vụ án, trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa cũng giúp việc tranh luận trong phiên tòa được dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Đây cũng là bước đột phá của VKSND tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, góp phần để đơn vị giữ vững vị trí số 1 về ứng dụng CNTT trong 4 năm qua, đạt 1.000 điểm (thang điểm tối đa là 1.000) theo kết quả chấm điểm của VKSND tối cao về Bộ chỉ số ứng dụng CNTT đối với Viện KSND các tỉnh, TP trên toàn quốc”.

Hoàng Hà

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/so-hoa-ho-so-vu-an-nang-nghiep-vu-giam-ap-luc-giay-to-o-vksnd-tinh-bac-giang-100665.html