Số hóa dữ liệu liệt sĩ, mộ liệt sĩ: Hành động tri ân ý nghĩa

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, đã có hàng triệu người con hy sinh. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước xác định công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân; thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống 'Uống nước, nhớ nguồn', 'Đền ơn, đáp nghĩa' của dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ấn nút khai trương Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ vào tối 27/7.

Chạy đua với thời gian

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Từ năm 2005 đến nay, cả nước đã tìm kiếm, quy tập được hơn 70.500 hài cốt liệt sĩ (HCLS). Bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN, đã xác định danh tính được 3.423 HCLS, thông tin tới thân nhân liệt sĩ và tổ chức gắn bia ghi tên liệt sĩ. Riêng năm 2017, toàn quốc tìm kiếm, quy tập được 2.368 HCLS, trong nước là 1.113; Lào: 347; Campuchia: 870; 6 tháng đầu năm 2018, đã tìm kiếm, quy tập được 1.281 HCLS, trong nước là 441, Lào: 223, Campuchia: 517.

Tuy nhiên hiện cả nước vẫn còn hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính và còn gần 200.000 hài cốt liệt sĩ cần phải tìm kiếm, quy tập, trong đó cơ bản còn thiếu thông tin.

Theo Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT), Ủy viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính HCLS (gọi tắt BCĐ 515), những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 24-CT/TW, ngày 15-5-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 515, tạo sự đồng thuận cao trong các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân. Công tác thông tin tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ được đẩy mạnh. Nhờ đó, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhất là Hội Cựu chiến binh đã chủ động cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ với nghĩa cử cao đẹp, khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ…

Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, nhiều mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin. “Nhân chứng biết thông tin về mộ liệt sĩ ngày càng ít; địa hình thay đổi do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tác động của thời tiết, khí hậu,... là những khó khăn không nhỏ cho công tác này. Trong khi đó, mong mỏi của thân nhân các liệt sĩ muốn biết được thông tin mộ liệt sĩ chờ đợi quá lâu. Chính vì vậy công tác công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đòi hỏi những giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm đáp ứng mong mỏi của thân nhân các liệt sĩ không để họ chờ đợi quá lâu” – Trung tướng Đỗ Căn chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ thông tin tìm kiếm và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ

Ngày 26/7/2018, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam đề xuất và đã được Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý chủ trương sẽ tiến tới hình thành Mạng thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin với mục tiêu: Tạo môi trường, công cụ khoa học công nghệ hiện đại tiện dụng thông qua Internet, các mạng viễn thông, mạng xã hội để huy động, tiếp nhận mọi nguồn thông tin từ nhân dân, thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh, người bên kia chiến tuyến, người ở khu vực chiến tuyến có nắm giữ thông tin chuyển về một nơi để lưu trữ và quản lý thống nhất phục vụ công tác tìm kiếm liệt sĩ.

Nhân viên VN Post thu thập dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ.

Mạng thông tin tìm kiếm liệt sĩ nêu trên sẽ được trang bị chức năng: Đối chiếu, móc nối, phân tích, tích hợp sâu thông tin thu thập được, tương tác với người dân, thân nhân, những người cung cấp thông tin để phục vụ hiệu quả công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và xác định các hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Ngày 01/8/2018, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam đã có buổi làm việc với Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng để trao đổi, thống nhất kế hoạch triển khai và thực hiện chủ trương của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nêu trên. Hai bên đã xác định đây là công việc chung của hai Bộ (Bộ TTTT và Bộ QP), cũng là trách nhiệm của toàn xã hội. Tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất kế hoạch đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào để hình thành mạng tìm kiếm và dự kiến trong tháng 8/2018 sẽ có kế hoạch cụ thể và có những bước triển khai đầu tiên.

Trước đó, Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ (thongtinlietsi.gov.vn) do Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam (NISCI) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) phối hợp xây dựng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ấn nút khai trương vào ngày 26/7, tại Nghĩa trang liệt sĩ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Từ khi đưa vào sử dụng, cổng thông tin đã được người dân hưởng ứng và sử dụng tích cực. Trong ngày 27-31/7 thường xuyên số lượng truy cập đồng thời trên 1.000. Tại thời điểm khai trương cổng thông tin, trên 50.000 lượt truy cập đồng thời khiến cổng thông tin bị quá tải. Hiện nay, số truy cập đồng thời thường xuyên là khoảng 500. Đây là một tín hiệu đáng mừng khi cổng thông tin đã thu hút được sự quan tâm của nhân dân.

Qua phân tích sơ bộ thông tin trên mạng xã hội bằng công cụ SMCC, cổng thông tin đã nhận được đánh giá cao của đa số những người quan tâm. Trong tuần từ 25/7-31/7, hệ thống quét trên mạng xã hội đã tìm được 5 tin thông báo đã khai quật được hài cốt liệt sĩ đơn lẻ và 10 tin tổng hợp các mộ liệt sĩ và hài cốt mới được khai quật, đang tìm thân nhân đến nhận, tổng cộng hơn 1400 liệt sĩ; 24 tin đăng tìm kiếm vị trí mộ liệt sĩ cũng được thấy trên mạng xã hội.

PHƯƠNG ANH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/so-hoa-du-lieu-liet-si-mo-liet-si-hanh-dong-tri-an-y-nghia-d78200.html