Số hóa để giảm chi phí logistics

Trên 50% doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa áp dụng các công cụ số hóa trong lĩnh vực giao nhận. Trong khi đó, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm trên 16% trong chi phí của doanh nghiệp (cao hơn so với mức trung bình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương), khiến khả năng cạnh tranh ngày càng giảm sút.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, việc áp dụng số hóa trong các dịch vụ logistics là xu hướng tất yếu cần được nhìn nhận để các cấp quản lý cũng như Chính phủ đưa ra những lộ trình phù hợp.

Thực tế, chi phí logistics tại Việt Nam còn ở mức cao, chiếm 16,8% trong tổng chi phí của doanh nghiệp, cao hơn so với mức trung bình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương khoảng 4%. Vận tải là một trong 3 khâu chiếm đến 91% tổng chi phí logistics, bên cạnh xếp dỡ và lưu trữ.

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ sẽ giúp giảm chi phí logistics.

Cũng theo ông Khoa, Nhà nước cần nhanh chóng phối hợp các bên liên quan trong việc quy hoạch bến bãi có nguy cơ dẫn đến kẹt xe, xây dựng Đề án quy hoạch Trung tâm logistics. Thêm vào đó, đẩy mạnh việc ứng dụng lệnh giao hàng điện tử (eDo) để tiết kiệm thời gian, chi phí trong các giao dịch chứng từ.

“Hai năm trước, số lượng các doanh nghiệp logisitics có áp dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh chỉ khoảng 15%, thì nay đã khoảng 40-50%. Đó là dấu hiệu đáng mừng về tư duy quản trị thay đổi của các lãnh đạo. Họ nhìn nhận đây là cách tăng khả năng cạnh tranh hoặc chỉ để vi tính hóa mọi công việc”, ông Khoa nhận xét.

Còn theo chia sẻ của ông John Slatery, giám đốc sản phẩm Yojee, ngành logistics toàn cầu đang phát sinh bất ổn với những khối lượng hàng hóa tăng vọt, hay những thông tin chưa chuẩn khớp. Tuy nhiên, đã có những công ty công nghệ hàng đầu như Alibaba, Uber... đưa công nghệ Blockchain (công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian) vào ứng dụng trong logistics, nhằm cắt giảm tối đa chi phí trung gian cũng như các hoạt động giấy tờ (paper work) để minh bạch và hiệu quả hơn.

Đặc biệt, Amazon đã tiên phong trong việc nhân rộng quy mô sử dụng robot phục vụ việc hoàn thành đơn hàng.

Dù vậy, bà Lynn Hoàng, giám đốc dự án của Infinity Blockchain Labs cho rằng, các công ty logistics hàng đầu trên thế giới vẫn đang trong quá trình nghiên cứu Blockchain vào quá trình vận hành. Áp dụng số hóa sẽ trở thành xu hướng, nhưng chưa thể áp dụng trong ngắn hạn, mà cần những phân tích chuyên sâu. Điều này cũng đúng với thị trường Việt Nam cho việc giải quyết 5 thách thức cơ bản, bao gồm: sự kỳ vọng của khách hàng ngày càng cao; quy định khắt khe từ các thị trường quốc tế; lợi nhuận biên thấp; quy trình chưa hoàn thiện và quan trọng nhất là sự “phá bĩnh” từ các dịch vụ dựa trên thương mại điện tử.

Thị Hồng

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/so-hoa-de-giam-chi-phi-logistics-d79732.html