Số hóa bất động sản không dễ

Dù rất tiềm năng, nhưng 'sân chơi' số hóa giao dịch bất động sản cũng cạnh tranh hết sức khốc liệt, không phải doanh nghiệp môi giới nào cũng chuyển đổi số thành công.

Số hóa giao dịch bất động sản đã trở thành xu thế. Ảnh: Dũng Minh

Không dễ “kiếm cơm” từ số hóa bất động sản

Thông tin Propzy đã sa thải tới 50% nhân viên khi thực hiện tái cấu trúc mô hình kinh doanh từ tháng 9/2021 đến nay gây chú ý, bởi trước đó không lâu, start-up về giao dịch bất động sản online này đặt mục tiêu mở rộng lên 70 trung tâm và 1.300 nhân viên bán hàng sau khi các giao dịch bất động sản thực hiện tính tới tháng 6/2020 đạt giá trị 1 tỷ USD, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Propzy John Le cho biết.

Theo đại diện Propzy, việc cắt giảm mạnh nhân sự là do giải thể công ty con để thống nhất thành một pháp nhân duy nhất là Công ty TNHH Propzy Việt Nam nhằm tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, “chứ không đóng cửa như tin đồn”.

Tuy nhiên, với nhiều người đang hoạt động trong lĩnh vực này, động thái trên dường như là lời ngầm thừa nhận về sai lầm của Ban lãnh đạo Propzy trong chiến lược phát triển khi chưa thể đưa start-up này vượt qua khuôn khổ “trang tin mua bán, rao vặt” mà nhiều công ty công nghệ bất động sản đã vấp phải trước đó.

Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện khiến nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản phải tìm cách chuyển đổi và việc hướng tới mô hình giao dịch bất động sản online được xem như “cứu cánh” trong bối cảnh doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh do các quy định giãn cách xã hội hạn chế “mắt thấy, tay sờ” - yếu tố quyết định việc xuống tiền của khách hàng.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch CEN Group, diện mạo của ngành bất động sản Việt Nam đang thay đổi rất nhanh, không phải theo từng năm, từng tháng, mà là từng ngày, từng giờ. Trong đó, sự chuyển đổi “khẩu vị” đầu tư, sự thay đổi trong hành vi sử dụng các tiện ích công nghệ số đòi hỏi các nhà phát triển dự án phải thích ứng nhanh chóng, áp dụng công nghệ một cách bài bản để rút ngắn khoảng cách giữa người mua và người bán.

Thực tế, những năm qua, CEN Group cũng như nhiều nhà phát triển bất động sản khác như Vingroup, Sun Group, Sunshine Group, MIK Group, Danh Khôi, Đất Xanh… đã đầu tư mạnh cho việc nâng cấp các nền tảng công nghệ hỗ trợ công tác bán hàng, cũng như tăng cường tìm kiếm và hợp tác với các start-up về giải pháp số để bổ sung vào hệ sinh thái kinh doanh bất động sản của mình.

Dẫu vậy, đến thời điểm hiện tại, chưa có báo cáo hay đánh giá cụ thể nào về hiệu quả của mô hình Proptech (công nghệ bất động sản) mang lại cho các sàn giao dịch, đơn vị môi giới địa ốc ngoài những con số về chi phí đầu tư tăng theo thời gian. Với những doanh nghiệp môi giới muốn “kiếm cơm” trực tiếp từ Proptech như Propzy, đó còn là con số lỗ “khủng”. Nếu như ở thời điểm mới thành lập năm 2015, vốn chủ sở hữu của Propzy chỉ âm 7 tỷ đồng thì sau 5 năm, tức đến cuối năm 2020, con số này là âm 265 tỷ đồng, tức tăng tới 38 lần.

Ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Chủ tịch King Broker cho rằng, việc đầu tư số hóa hoạt động giao dịch bất động sản có thể giúp gia tăng khả năng chào mời khách hàng hiệu quả, các công nghệ mới như Big Data (dữ liệu lớn), Machine Learning (học máy), Artificial Intelligence - AI (trí tuệ nhân tạo) còn hỗ trợ lực lượng môi giới chăm sóc hậu mãi tốt hơn, giữ chữ tín cho cá nhân và doanh nghiệp..., song những yếu tố này chỉ đóng vai trò hỗ trợ chứ không làm thay được công việc của người môi giới.

“Với đại bộ phận người dân, bất động sản là một tài sản lớn của cả một đời người, vậy nên khi mua khách hàng luôn muốn ‘nhìn ngắm được, sờ thấy được’ và được giao dịch trực tiếp thì mới an tâm”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đứng im là tự đi lùi

Bất động sản lâu nay thường được cho là chậm chạp trong việc áp dụng công nghệ mới, nhưng không vì thế mà thiếu khát vọng cải tiến và phát triển. Ngành công nghiệp này có một loạt vấn đề mà lời giải đã sẵn có trong chuyển đổi số, đặc biệt là việc số hóa giao dịch nếu thành công sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, đặc biệt là giúp nâng cao tính minh bạch của hệ thống thông tin dữ liệu.

Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, bất động sản là một sản phẩm có giá trị cao và hành vi mua bán đã trở thành “tập quán” của người tiêu dùng Việt Nam là rất quan tâm tới yếu tố niềm tin. Do vậy, muốn tạo ra những hướng đi đột phá trong các hoạt động số hóa là không dễ nếu không phá vỡ được rào cản thói quen của người tiêu dùng.

Thị trường Proptech Việt Nam đang trên đà phát triển với sự nở rộ của các phần mềm, nền tảng công nghệ liên quan đến ngành bất động sản. Chỉ cần gõ từ khóa “bất động sản” trên App Store hay Google Play thì hàng loạt ứng dụng về bất động sản lập tức xuất hiện với đa dạng loại hình, từ cho thuê, mua bán nhà đất, hỗ trợ đăng tin, đến kiến thức, pháp luật bất động sản. Song, vấn đề đặt ra là làm cách nào để khách hàng kiểm định được những tiêu chí mà họ cho rằng phù hợp với nhu cầu bản thân và đúng với thực tế, chứ không bị thổi phồng, bởi đa số khách hàng khi liên hệ với người bán trên các nền tảng bất động sản online đều chỉ gặp được những môi giới không chuyên.

Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, chuyển đổi số trong bất động sản đồng nghĩa với việc hợp lý hóa quy trình hoạt động, làm cho các quy trình trở nên minh bạch nhất có thể, tạo thêm niềm tin cho người mua, nâng cấp chất lượng, hiệu quả cho mọi hoạt động trong ngành bất động sản và quan trọng hơn cả là cải thiện việc lưu trữ và truyền tải thông tin, giảm thiểu những đặc tính đã trở nên lỗi thời như việc quá phụ thuộc vào các loại giấy tờ. Khi các loại giấy tờ được số hóa, thông tin không chỉ được truyền tải hiệu quả hơn, mà còn được bảo mật tốt hơn.

Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến việc số hóa dữ liệu chưa hiệu quả, đó là phần lớn thông tin thị trường chưa được công bố rộng rãi, mức độ chính xác và sự rõ ràng của dữ liệu, thông tin còn nhiều hạn chế, thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong lưu trữ, sắp xếp và truyền tải dữ liệu bất động sản giữa các đơn vị...

“Một trong những yếu tố cản trở chuyển đổi số trong lĩnh vực địa ốc hiện nay là sự thiếu minh bạch về thông tin thị trường và thiếu dữ liệu số về các giao dịch bất động sản tại cơ quan đăng ký đất đai, điều này tạo ra rủi ro cao cho các giao dịch trên môi trường trực tuyến. Do đó, cần sớm có một quy trình quản lý minh bạch, rõ ràng về lưu trữ thông tin đất đai, về các giao dịch cần được số hóa và quản lý tập trung ở cấp quốc gia, chứ không chỉ ở cấp độ từng đơn vị riêng lẻ”, ông Matthew Powell nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhìn nhận, thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số bất động sản tại Việt Nam là về nhận thức, thay đổi tư duy, thói quen từ trực tiếp sang trực tuyến, bên cạnh những nguyên nhân khác là khung pháp lý chậm thay đổi, cập nhật thiếu đồng bộ và cởi mở; thông tin, dữ liệu thiếu và không tập trung; kết nối giữa chủ đầu tư - proptechs (realtechs), trung gian tài chính còn yếu...

“Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp bất động sản cần xây dựng và thực thi chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp với thời đại số; nghiên cứu, tính toán phương án tối ưu về đầu tư công nghệ thông tin và tích hợp đa dạng các kênh phân phối; thay đổi mô thức tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro công nghệ thông tin. Ngoài ra, cũng cần xây dựng, quản lý, khai thác và phân tích cơ sở dữ liệu; kiến nghị, tham gia xây dựng khuôn khổ pháp lý cho chuyển đổi số; hỗ trợ nâng cao kiến thức, nhận thức của khách hàng và cơ quan quản lý về chuyển đổi số”, ông Lực khuyến nghị.

Linh Trang

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/so-hoa-bat-dong-san-khong-de-300497.html