Sợ hãi muốn rụng tim vì 'đặc sản' tạt đầu, võng vỉa của xe ôm công nghệ ở Hà Nội

Lấn làn, tạt đầu xe ô tô với tốc độ 'bàn thờ' là cảm nhận của tôi về nhiều lái xe công nghệ ở Thủ đô sau hơn 4 tháng sinh sống ở đây.

Việc lấn làn, tạt đầu xe để len vào chỗ trống, vượt đèn đỏ hoặc lao xe lên vỉa hè là chuyện thường gặp trong giờ cao điểm. (Ảnh minh họa)

Việc lấn làn, tạt đầu xe để len vào chỗ trống, vượt đèn đỏ hoặc lao xe lên vỉa hè là chuyện thường gặp trong giờ cao điểm. (Ảnh minh họa)

Từng nhiều năm gắn bó với TP Hồ Chí Minh, tham gia vào một dự án mới, 4 tháng nay tôi tạm định cư ở Hà Nội. Con đường đi làm hàng ngày là từ Láng Hạ qua Trần Duy Hưng đến Mỹ Đình, nơi cơ quan đặt trụ sở ở đó.

“Ngạc nhiên” là cảm nhận đầu tiên của tôi khi tới Thủ đô.

Trong trí tưởng tượng của tôi, Hà Nội cổ kính, Hà Nội rêu phong, Hà Nội trầm mặc với những “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó”… Và thật ngỡ ngàng khi đập vào mắt tôi là đại lộ từ sân bay vào thành phố rộng, mặt đường thoáng đẹp.

Sau nhiều ngày khám phá, tôi nhận ra Hà Nội nhiều cây xanh hơn so với TP Hồ Chí Minh, đặc biệt ở những con đường trong nội đô vẫn có những hàng cây cổ thụ bên ven đường…

Hơn 100 ngày thường xuyên đi trên cung đường Láng Hạ - Trần Duy Hưng, tôi nhận thấy tình trạng kẹt xe không “kinh khủng” như ở Sài Gòn. Ở tuyến đường này, dẫu vào giờ cao điểm có xảy ra ùn tắc nhưng các phương tiện vẫn có thể di chuyển chậm. Nhưng Sài Gòn thì khác, đã kẹt thì chỉ còn cách đứng "chết tắc" mà thôi. Điều này khiến tôi cảm nhận giao thông Hà Nội tốt hơn TP Hồ Chí Minh.

Có những điều lạ mà thời gian đầu tôi chưa thể quen. Lạ đất, lạ người, tôi chọn Grab làm phương tiện di chuyển từ nơi ở đến văn phòng, nhưng mỗi lần ra đường, ngồi lên xe Grab là một lần tôi run rẩy, lo sợ.

Bởi lẽ, rõ ràng ở mỗi làn đường đều có vạch trắng nhưng ô tô, xe máy, xe đạp vẫn đi lẫn hết với nhau. Đem thắc mắc của mình hỏi anh Grab "chạy lấn làn như thế không sợ công an phạt sao?", người đàn ông chạc tuổi tôi cười xòa nói: “Ở đây không phân làn giống như Sài Gòn nên mọi người thoải mái chạy lấn làn”. Anh còn tận tình hướng dẫn tôi nếu tự đi xe máy chỉ cần chú ý khi quẹo (rẽ) trái/phải thì “đừng đi vào vạch trắng phân làn”.

Tôi chưa kiểm chứng điều người tài xế Grab nói, song có một thực tế hiển hiện hàng ngày, tôi luôn luôn được chứng kiến các bác tài luồn lách, lấn làn, trèo vỉa hè khi đường đông người tham gia giao thông.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc giao thông mỗi ngày, nhưng theo tôi nghĩ, không thể không nhắc đến ý thức của người tham gia giao thông.

Về điểm này, Hà Nội hay Sài Gòn đều có nét tương đồng: người tham gia giao thông chạy xe sai luật.

Tuy nhiên, cùng là sai nhưng cách ứng xử của mỗi vùng miền lại khác nhau. Ở Sài Gòn, tôi cảm nhận họ biết mình đang đi sai vì hoàn cảnh nên cách họ đi “khép nép”, thậm chí cố gắng để sai làn ít nhất có thể. Nhưng Hà Nội thì ngược lại. Họ ngang nhiên lấn làn, tạt đầu, vượt đèn đỏ. Họ rất tự tin, không giống như mình đang sai, làm nhiều khi tôi cũng hoảng.

Ngồi trên Grabbike những lúc tắc đường, cảm giác căng thẳng luôn thường trực. Các anh thực sự là những tay đua, luồn lách siêu hạng. Mặc hai ô tô đang đi chậm sát nhau, chỉ cần thấy khe hở là xe máy sẵn sàng vào vào lấp chỗ trống, hùng hổ lách lên. Nhiều khi tôi cảm nhận rõ chân mình quệt cả vào thân xe ô tô hai bên.

"Đặc sản" hơn nữa là cách các anh ấy tạt đầu xe với tốc độ “bàn thờ”. Đến ngã tư, khi tín hiệu giao thông chuyển vàng, thay vì chờ đợi đèn đỏ và dừng, các anh rồ ga, tăng tốc vọt lên, tạt ngang đầu những xe ô tô đang di chuyển trên đường để rẽ trái, chỉ để tránh một nhịp mấy chục giây đèn đỏ.

Những lúc như thế, cảm giác như tim tôi chạy lên tận cổ, chân tay run rẩy, sợ hãi vô cùng. Chỉ cần một cú va chạm nhẹ là tôi có thể bị ngã văng ra đường.

Đi xe máy lo ngay ngáy tai nạn giao thông, mà đi bộ ở Hà Nội tình trạng cũng không cải thiện là bao. Phố đi bộ, nơi những tưởng dành không gian cho người đi bộ nhưng bản thân tôi cũng cảm thấy không an toàn.

Mặc dù khu đó dành cho người đi bộ nhưng quá hẹp bởi hàng quán tràn kín vỉa hè hoặc bị xe cộ chiếm dụng. Người đi bộ chẳng còn cách nào, đành đi xuống lòng đường… nhưng lúc nào cũng phải để ý xe cộ chạy ngang chạy dọc. Vậy là thay vì đi bộ thư thả thăm thú, ngắm phố phường, hàng quán thì tôi cũng như những du khách lại chỉ chăm chăm quan sát “né” xe máy.

Nguyễn Song Bảo Anh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/an-toan-giao-thong/lan-lan-tat-dau-dac-san-tai-xe-cong-nghe-ha-noi-279578.html