Sở Giao dịch hàng hóa: Rộng cửa cho hàng Việt ra nước ngoài

Mang đến hiệu quả kép khi giúp doanh nghiệp và người nông dân có được công cụ bảo hiểm nhằm giảm thiểu các rủi ro về giá, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa ra nước ngoài, Sở Giao dịch hàng hóa sẽ mang lại lợi ích lớn trong tương lai.

VNX hiện là SGDHH đang hoạt động mạnh nhất.

Hiệu quả lớn cho nhà đầu tư
Ông Nguyễn Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam cho hay, bông chiếm khoảng 60 - 70% giá thành sợi. Nếu cứ mua theo cách cũ, đơn thuần dựa vào thông tin thị trường không chuẩn xác thì nếu doanh nghiệp (DN) mua và tính toán tốt, mua được vào thời điểm phù hợp thì bảo đảm sản xuất tốt và kinh doanh có lãi, ngược lại nếu mua phải thời điểm giá cao sau đó giá lại đi xuống thì nguy cơ phá sản và thiệt hại rất lớn. Nếu có một Sở Giao dịch hàng hóa (SGDHH) uy tín và đủ mạnh, DN sẽ có phương thức kinh doanh an toàn, giảm thiểu rủi ro, không bị thua lỗ.

Bông, cà phê, hồ tiêu… là những mặt hàng đang rất mong muốn được giao dịch tại SGDHH. Dù là hình thức còn khá mới ở Việt Nam nhưng trên thế giới, SGDHH đã trở nên rất quen thuộc như sàn giao dịch cà phê London, New York; sàn giao dịch hồ tiêu… Sử dụng hình thức kinh doanh theo hướng các bên thỏa thuận thực hiện việc mua bán một lượng nhất định của một loại hàng hóa trên sàn giao dịch, với giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai, kinh doanh qua SGDHH được kỳ vọng sẽ giúp các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam tránh được tình trạng được mùa mất giá.

Thực tế, mô hình SGDHH tại Việt Nam đã triển khai được tám năm. Tuy nhiên, tính đến nay, Bộ Công thương mới cấp phép thành lập cho hai SGDHH. Trong đó, SGDHH Việt Nam (VNX) là đơn vị được thành lập đầu tiên vào năm 2010 và hiện đang hoạt động mạnh nhất. SGDHH Info (Hà Nội) được thành lập năm 2013 đã phải đóng cửa chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động. Còn Trung tâm giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) xin phép được kinh doanh theo hình thức SGDHH từ năm 2011 nhưng hiện nay hoạt động còn hạn chế. Đến nay, tổng giá trị giao dịch các hợp đồng qua các SGDHH cả nước là 7.991,03 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là giao dịch mặt hàng cà phê.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Tổng Giám đốc VNX cho biết, dù được thành lập từ năm 2010 nhưng hoạt động của VNX còn gặp nhiều khó khăn do khung khổ pháp lý. Cụ thể, quy định SGDHH Việt Nam không được liên thông với các SGDHH thế giới và hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào SGDHH Việt Nam khiến hiệu quả hoạt động của các SGDHH Việt Nam chưa lớn, chưa tác động được nhiều đến thị trường hàng hóa.

Quyết tâm tạo đột phá cho SGDHH
Tháo gỡ khó khăn cho DN, ngày 9-4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH.

Ông Nguyễn Lộc An – Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, khâu đột phá của Nghị định 51/2018/NĐ-CP là thủ tục hành chính được giảm tối đa, xóa bỏ cơ chế xin cho. Thí dụ trước đây mặt hàng cà phê, bông, thép mỗi lần lên giao dịch tại SGDHH phải xin phép Bộ Công thương. Sau khi Bộ Công thương họp, có mặt hàng phải mất ba đến bốn tháng mới được cấp phép giao dịch. Tuy nhiên, Nghị định 51 đã giảm thiểu hết toàn bộ khi quy định những mặt hàng Nhà nước không cấm và không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện thì DN được kinh doanh, không cần xin phép.

Bên cạnh đó, theo những quy định cũ, trước đây, những mặt hàng có thế mạnh của nước ta như cà phê, hồ tiêu không được liên doanh với SGDHH nước ngoài thì chỉ có thể giao dịch ở sàn trong nước. Nay có thể liên kết với sàn giao dịch thì sẽ giúp sản phẩm mở rộng thị trường, minh bạch và không bị thương lái ép giá, tránh tình trạng được mùa mất giá.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh khẳng định thêm: “Nghị định 51/2018/NĐ-CP cho phép các SGDHH Việt Nam liên thông với SGDHH thế giới sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hội nhập của các SGDHH Việt Nam nhanh hơn, theo kịp sự phát triển của thế giới. Bên cạnh đó, việc cho phép các SGDHH được niêm yết giao dịch tất cả các mặt hàng mà nhà nước không cấm và những mặt hàng kinh doanh có điều kiện sẽ giúp DN tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao vị thế, góp phần tăng trưởng kinh tế, bình ổn thị trường”.

Về phía các DN kinh doanh mặt hàng trên các SGDHH, ông Nguyễn Viết Vinh – Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam khẳng định, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP được đánh giá là bước ngoặt, sửa đổi kịp thời và mang lại những thay đổi căn bản cho ngành cà phê. Đơn cử, với quy định cho phép các SGDHH trong nước liên kết với SGDHH nước ngoài; cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các SGDHH Việt Nam, Nghị định này sẽ giúp nông dân hay các sản xuất, chế biến cà phê được giao dịch trực tiếp với các DN, nhà đầu tư nước ngoài, từ đó giảm chi phí trung gian, nâng cao lợi nhuận. Việc nắm bắt được nhu cầu thị trường cũng giúp người nông dân chủ động sản xuất, tránh tình trạng được mùa mất giá. Đặc biệt, việc giao dịch qua SGDHH cũng giúp người nông dân quen với các phương thức thương mại hiện đại, nâng cao năng lực sức cạnh tranh cho hàng hóa.

Sau 45 ngày Nghị định 51 có hiệu lực, dự kiến VNX sẽ bắt đầu hoạt động với vai trò kết nối liên thông với các SGDHH trên thế giới. Danh mục hàng hóa dự kiến được niêm yết trên sàn của VNX sẽ gồm 40 mặt hàng chủ lực, trong đó có những mặt hàng Việt Nam có lợi thế về xuất khẩu và những mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn để phục vụ sản xuất, kinh doanh như gạo, đường, cà phê, cao su, hạt tiêu, nhôm, đồng, sắt, thép...

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/36432702-so-giao-dich-hang-hoa-rong-cua-cho-hang-viet-ra-nuoc-ngoai.html