Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 36% trong tháng 5/2020

Theo công bố của Tổng cục Thống kê sáng 29/5, do Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt dịch COVID-19, nên số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2020 tăng hơn 36%, tương đương 10.700 doanh nghiệp.

Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, các bộ, ngành, số doanh nghiệp “hồi sinh” trở lại đã có dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể: Chỉ tính riêng tháng 5/2020, Việt Nam đã có 10.728 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 112,7 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 91,5 nghìn lao động, tăng 36,1% về số doanh nghiệp, tăng 20,1% về vốn đăng ký, tăng 27% về số lao động so với tháng trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới tháng 4/2020 chỉ đạt gần 7.900 doanh nghiệp.

Tháng 5/2020, Việt Nam còn đón 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7% so với tháng trước và tăng 105,4% so với cùng kỳ năm ngoái; 3.342 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 18,9% và tăng 43,7%; 3.083 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 42,3% và tăng 47,6%; 962 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 1,8% và giảm 9,8%; 3.473 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 21,3% và tăng 44,5% so với tháng 4/2020.

“Những con số trên cho thấy, doanh nghiệp đã hoạt động trở lại và lạc quan với tín hiệu phục hồi mới của nền kinh tế cũng như từ các thị trường sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát”, báo cáo Tổng cục Thống kê nêu.

Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam có 48,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 557,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 407,2 nghìn lao động. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp giảm 10,5%, vốn đăng ký giảm 16,7% và giảm 24,2% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm nay đạt 11,5 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Vũ Tiến Lộc, kết quả khảo sát của VCCI mới đây cho thấy, có tới 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý 3/2020, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. "Xu hướng này đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng doanh nghiệp mà VCCI công bố 1 tháng trước đây", ông Vũ Tiến Lộc nói.

Tuy tình hình doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng doanh nghiệp vẫn còn rất gian nan và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Với các gói tài khóa, tín dụng, với quy mô chưa từng có, để hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Điều mong muốn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành.

Để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực phát triển, Bộ Tài chính vừa báo cáo Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2020 đối với nhóm doanh nghiệp này.

Việc đề xuất giảm thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như nêu trên nhằm bảo đảm phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải. Theo ước tính của Bộ Tài chính, việc giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp vừa sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 22.440 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19, tạo điều kiện tích tụ vốn phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, là tiền đề phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.

TH

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/so-doanh-nghiep-thanh-lap-moi-tang-36-trong-thang-52020-n19389.html