Số doanh nghiệp phá sản tăng cao, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp khó đạt

Theo nhận định của Chính phủ, dự báo GDP năm 2018 của Việt Nam có thể tăng hơn 6,7%, triển vọng kinh tế năm 2019 và năm 2020 tiếp tục khả quan. Tuy vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra khá nhiều nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế lúc này…

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp UBTVQH

Sáng nay, 15-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 28, đã thảo luận, cho ý kiến vào các báo cáo: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch năm 2019; giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020…

Trình bày báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và báo cáo về Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cơ bản được hoàn thành.

Tính rộng ra, sau 3 năm đầu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020 cho thấy cơ bản là tích cực và đúng hướng. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, tạo nguồn lực cho phát triển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 9 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước duy trì mức cao, chất lượng tăng trưởng cải thiện. Dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%, mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển sang chiều sâu. “Trong bức tranh chung, xu thế tích cực là chủ đạo, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 và năm 2020 tiếp tục khả quan” – Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói.

Tuy vậy, trình bày các báo cáo thẩm tra về các báo cáo nêu trên của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chỉ ra, dù bức tranh kinh tế đang khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khó khăn thách thức, nhiều mục tiêu đề ra khó đạt được.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Cụ thể, trong 5 nhóm mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đến lúc này có 4 nhóm mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đầu tư công, cải thiện chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đạt kết quả khả quan. Song nhóm mục tiêu thứ 5 về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã khó đạt được.

“Mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành, đặc biệt khi việc phát triển doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định.

Một vấn đề đáng lưu ý nữa, tính đến tháng 7-2018, các bộ, ngành, địa phương mới thực hiện thoái vốn tại 30/316 doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra của năm 2017 và 2018. Kế hoạch sử dụng vốn từ thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước chưa cụ thể, chưa tập trung vào các công trình quan trọng quốc gia để tạo động lực và sức lan tỏa cho nền kinh tế.

Cũng theo các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã có cải thiện, nhưng nhập siêu của khu vực này còn lớn, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). “Do đó, cần kiên quyết không để thất thu từ khu vực ngoài quốc doanh, trong khai thác tài nguyên, khoáng sản” – báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/so-doanh-nghiep-pha-san-tang-cao-muc-tieu-co-1-trieu-doanh-nghiep-kho-dat/786407.antd