Sổ đỏ và những giải đáp của luật sư xung quanh thắc mắc người dân

Sau khi Thanh Niên đăng tải các bài viết liên quan về nội dung của Thông tư 33/2017 mới ban hành và có hiệu lực vào ngày 5.12 tới, nhiều độc giả đã đặt các câu hỏi liên quan cũng như những thắc mắc chưa rõ.

Từ 5.12, sổ đỏ sẽ đứng tên nhiều người thay vì một người như hiện nay - Ảnh: Ngọc Thắng

Hỏi: Thông tư 33 có xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân hay không vì đất không thể là tài sản chung của cả những người không đóng góp vào tài sản ấy?

LS Nguyễn Đức Chánh: Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên Môi trường là quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai.

Trong đó có nội dung sửa đổi về ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận đối với Hộ gia đình sử dụng đất theo Thông tư 23/2014 của Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành trước đây.

Việc xác định hộ gia đình sử dụng đất là theo khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013. Theo đó thì: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.”.

Do vậy, không có chuyện Thông tư này xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân.

Hỏi: Tôi có thằng cháu họ ở chung, có được đưa tên nó vào sổ không nhỉ?

LS Nguyễn Đức Chánh: Thứ nhất, theo quy định khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất".

Thứ hai, tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và luật khác có liên quan.

Như vậy, nếu như cháu họ của bạn không có quan hệ nuôi dưỡng, không đóng góp, cùng nhau tạo lập nên tài sản đương nhiên không được xác định là thành viên hộ gia đình.

Hỏi: Khi tôi bán nhà hoặc đất mà con tôi không ký thì làm sao bán được? Mà tài sản này là của riêng hai vợ chồng tôi (là cha và mẹ)?

LS Nguyễn Đức Chánh: Như bạn thông tin thì đây là tài sản của vợ/chồng bạn và không phải của hộ gia đình nên đương nhiên vợ chồng bạn toàn quyền trong việc chiếm hữu, sử dụng cũng như việc chuyển quyền sử dụng đất/quyền sở hữu nhà ở mà không cần phải có sự đồng ý của con bạn.

Chỉ khi nào đây là quyền sử dụng đất cấp cho Hộ gia đình mà con bạn là thành viên hộ gia đình, thì việc chuyển quyền sử dụng đất mới phải có sự đồng ý (bằng việc trực tiếp hoặc ủy quyền chuyển nhượng) của con bạn.

LS Nguyễn Đức Chánh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/so-do-va-nhung-giai-dap-cua-luat-su-xung-quanh-thac-mac-nguoi-dan-903267.html