Sổ đỏ sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình: Cần thiết để giải quyết các tranh chấp!

Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) có bổ sung thêm trường hợp ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất. Với quy định mới, Bộ trưởng Bộ TNMT, khẳng định: Đây là giải pháp cần thiết phải làm để giải quyết các tranh chấp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mọi người.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Thông tư 33 sẽ giảm tranh chấp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mọi người. Ảnh: Chinhphu.vn

Không phải trường hợp nào cũng phải ghi thêm

Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ TNMT sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT (ngày 19/5/2014) quy định: “Đối với hộ gia đình sử dụng đất thể hiện các thông tin “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.

Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình và cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình. Sau đó, ghi thêm “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.

Vấn đề đặt ra với quy định trên, trong kê khai có nhất thiết phải ghi tên thành viên trong gia đình khi làm đăng ký sổ đỏ? Có người đặt trường hợp, nhà khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhà chỉ vài chục m2 nhưng đại gia đình tới hơn chục người ở, sinh sống, vậy trường hợp này có phải ghi hết?

Giải thích về điểm này, luật sư Nguyễn Quốc Việt (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, đây không phải là thêm tên các thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, mà là ghi nhận cụ thể thông tin của những người có quyền sử dụng đất/ quyền sở hữu tài sản. Bởi vậy, với trường hợp các thành viên có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất thì mới phải ghi vào.

Giảm thiểu tranh chấp

Trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 23.11, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho rằng, việc ghi tên các thành viên trong gia đình là để giảm thiểu các tranh chấp. Bộ trưởng nêu ví dụ, trường hợp rất phổ biến trước đây, đền bù giải phóng mặt bằng, nhà nước cấp đất lại cho gia đình ông A (trong gia đình có rất nhiều người, có thể có cả con cái vị thành niên, thậm chí họ hàng cùng có tên trong hộ khẩu) nhưng sổ đỏ là cấp cho hộ gia đình, do ông A là đại diện chủ hộ đứng tên.

Việc đó đã gây khó khăn khi có tranh chấp, tòa án rất khó để giải quyết, phân xử khi chỉ có ông A được xác nhận quyền sử dụng với mảnh đất.

“Rõ ràng nhu cầu thực tế của cuộc sống là những người có quyền về sử dụng đất tại thời điểm đền bù, giải phóng mà có tên trong hộ khẩu thì đều bình đẳng với nhau. Chúng ta phải bảo vệ quyền của tất cả mọi người trong hộ gia đình đó. Tôi nhấn mạnh, các thành viên được đứng tên trong sổ đỏ không phải là thành viên sau này của hộ gia đình mà là những người được xác định ở thời điểm được đền bù, cấp đất”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói

Giải thích thêm về Thông tư 33, ông Đào Trung Chính - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, quy định bổ sung tên vào sổ đỏ này sẽ tránh được một số tranh chấp trong quá trình mua bán, chuyển nhượng.

Vị này nói rõ thêm: “Về pháp luật, nếu là tài sản của ai, thì đứng tên người ấy. Sau này, kể cả là ghi tên thành viên trong gia đình, nhưng khi làm thủ tục chuyển nhượng vẫn phải truy ra những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ghi là ghi tên vào cho đầy đủ, chặt chẽ hơn, còn có ghi hay không vẫn phải thực hiện đầy đủ thủ tục chuyển nhượng như bình thường”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó GĐ Sở TNMT Hà Nội - khẳng định, việc ghi thêm các thành viên trong gia đình có người có quyền sử dụng đất/ quyền sở hữu tài sản là biện pháp để giảm thiểu tranh chấp chứ không thể phát sinh thêm tranh chấp.

Ông Nghĩa phân tích, ngay từ khi đăng ký sẽ rõ ràng hơn quyền của các thành viên trong gia đình với lô đất, nhằm tránh kiện cáo về sau. Về mặt phát sinh có thể xảy ra về sau, ông Nghĩa cho rằng, có thể sẽ có phát sinh trong thực tế về tranh chấp khi Thông tư có hiệu lực, nhưng hiện tại thì thấy vẫn không vấn đề gì.

“Ngay cả Thông tư cũ trên thực tế cũng không xảy ra kiện tụng nhiều về quyền tài sản. Trường hợp kiện tụng về tranh chấp tài sản thì đã có pháp luật dân sự điều chỉnh nên bản thân tôi không lo Thông tư này sẽ phát sinh các tranh chấp”, ông Nghĩa nói.

Thông Chí

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/so-do-se-ghi-ten-cac-thanh-vien-trong-gia-dinh-can-thiet-de-giai-quyet-cac-tranh-chap-578074.ldo