Sổ đỏ phải ghi tên thành viên gia đình và những nhầm lẫn tạo nên dư luận trái chiều

Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT hiệu lực từ ngày 5.12.2017 sẽ tác động trực tiếp đến những người dân có quyền sử dụng đất mang tên hộ gia đình. Tuy nhiên, loại đất này chỉ có sổ cũ, còn trên thực tế không cấp mới nữa.

Quy định mới về việc thêm tên thành viên sổ đỏ đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh: Internet

Quy định mới về việc thêm tên thành viên sổ đỏ đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh: Internet

Việc ghi tên các thành viên trong hộ gia đình vào sổ đỏ theo thông tư số 33/2017/TT-BTNMT được ban hành ngày 29.9.2017 có hiệu lực từ ngày 5.12.2017 đang tạo nên nhiều dư luận trái chiều.

Để làm rõ thêm về quy định mới này, Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc phỏng vấn với luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM, thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam).

- Thưa ông, việc ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ theo thông tư số 33/2017/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 5.12.2017 đang tạo nhiều luồng ý kiến khác nhau. Vậy ông có thể giải thích rõ hơn về điểm mới trong quy định này?

- Luật sư Trần Đình Dũng: Theo tôi, thông tư 33 có rất nhiều điểm mới, thế nhưng điểm mới gây tranh cãi nhiều nhất là việc ghi tên những thành viên trong hộ gia đình vào sổ đỏ.

Từ trước đến giờ, qua Luật Đất đai các thời kỳ, đối với loại đất nông nghiệp thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp được chia thành 2 loại. Loại thứ nhất là cấp cho cá nhân, trong đó cá nhân có vợ chồng. Loại thứ hai cấp cho hộ gia đình. Loại đất cấp cho hộ gia đình so với đất cấp cho cá nhân có tỷ lệ rất ít. Chưa kể, khi đưa vào giao dịch rất khó khăn, phức tạp, gây phiền hà cho người dân.

Cụ thể, khi đưa đi giao dịch, sang nhượng đối với quyền sử dụng đất cho hộ thì phải kèm theo sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, sổ hộ khẩu sau này có nhiều thay đổi, nhiều người đem sổ hộ khẩu cũ đi đổi mẫu sổ mới rồi chuyển khẩu. Do vậy, khi sang nhượng thì bắt buộc phải kèm theo một thủ tục, đó là thủ tục xác nhận hộ khẩu từ phía công an. Cho nên khi giao dịch chủ thể phải thực hiện một thủ tục hành chính cộng thêm là “xác nhận hộ khẩu” thời điểm cấp sổ đỏ.

Tôi nghĩ xuất phát từ điểm này, thông tư 33 quy định phần đất cấp cho cá nhân và vợ chồng không thay đổi so với trên giấy chứng nhận. Thế nhưng, tại chương 3, khoản 5 điều 6 có bổ sung thêm chi tiết đất cấp cho hộ gia đình thì ghi thêm vào thành viên khác trong hộ. Tức ngoài chủ hộ ra, sổ đỏ còn ghi tên các thành viên khác trong hộ gia đình.

Đất cấp cho hộ ngày xưa hình thành là do các hợp tác xã giải thể nên Nhà nước giao cho hộ gia đình sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay đất cấp mới thì không còn dạng cấp cho hộ gia đình nữa, nhưng mà vẫn luân chuyển giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ví dụ như đất cấp vào những năm 90 khi đổi lại thì vẫn phải ghi là “hộ” chứ không thể ghi đất cho cá nhân, cho tới khi nào các thành viên trong hộ gia đình cũ đến chuyển thành cho một cá nhân thì mới thành sổ cá nhân.

Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) - Ảnh: Internet

- Quy định này sẽ tác động đến những đối tượng nào, thưa ông?

- Thông tư này tác động trực tiếp đến những người dân có quyền sử dụng đất mang tên hộ gia đình. Loại đất này chỉ có sổ cũ, trên thực tế không còn cấp mới nữa. Lưu ý là loại đất cấp cho hộ gia đình này rất ít trong các loại đất nông nghiệp nói chung.

Thông tư 33 sửa đổi, bổ sung những quy định này là rất tốt. Bởi lẽ, trên thực tế, nhiều người trong hộ gia đình rất mù mờ thông tin. Chẳng hạn, hộ gia đình lúc đó có 6 người nhưng bây giờ ra giao dịch chỉ còn 5 người thì quyền lợi của người kia bị mất. Bây giờ ghi rõ tên từng thành viên A, B, C… vào thì rõ ràng. Nếu người nào chết thì chỉ cần đưa ra giấy báo tử. Vì vậy, thông tư này hạn chế thủ tục hành chính cộng thêm.

- Ông đánh giá như thế nào về những thay đổi của thông tư mới so với quy định trước đây?

- Tôi đánh giá thông tư mới này quy định rõ ràng và minh bạch hơn, tránh được 2 điều:

Thứ nhất là tránh để người dân làm thêm thủ tục hành chính cộng thêm và xác nhận hộ khẩu thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở bên phía công an.

Thứ hai là phía công an khi quản lý giao dịch đất cấp cho những hộ dân rất rõ ràng, khác với trước đây là hộ không biết có bao nhiều người. Dưới góc độ pháp luật dân sự về tài sản thì quy định này không khác gì hết.

Còn những thông tin lo ngại phát sinh thêm thành viên phải ghi vào sổ đỏ thì thông tư này không quy định như vậy. Những thành viên có quyền lợi được ghi vào sổ đỏ chỉ khi thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, họ đã thành viên của gia đình. Sau thời điểm cấp thì họ không liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của mảnh đất đó. Mọi người đang tranh cãi vì đang nhầm lẫn đất cấp cho cá nhân, vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

- Xin cảm ơn ông.

Phan Diệu (thực hiện)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/bat-dong-san-c-99/so-do-phai-ghi-ten-thanh-vien-gia-dinh-va-nhung-nham-lan-tao-nen-du-luan-trai-chieu-76585.html