Sổ đỏ ghi tên thành viên gia đình: Cá thể hóa quyền lợi, tránh tranh chấp

Trao đổi với báo chí sáng 23/11, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, việc ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong hộ gia đình vào sổ đỏ nhằm cá thể hóa quyền lợi, bảo đảm cơ sở khi giải quyết tranh chấp.

Không phải bắt buộc ghi tên tất cả thành viên trong hộ gia đình vào sổ đỏ mà chỉ những người có QSDĐ, sở hữu tài sản gắn liền với đất. Ảnh minh họa

Chỉ người có QSDĐ mới có tên

Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT có hiệu lực từ ngày 5/12, sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 1 Điều 5 theo hướng hộ gia đình sử dụng đất thì ghi "hộ gia đình, gồm ông/bà", sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.

Trường hợp chủ hộ gia đình không có QSDĐ chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng của hộ gia đình.

Dòng tiếp theo ghi "cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc cùng sử dụng đất hoặc cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).

Theo Bộ TN&MT, nội dung quy định tại Khoản 5 Điều 6 của Thông tư này phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 98 của Luật Đất đai.

Luật Đất đai đã quy định rõ, thửa đất có nhiều người chungQSDĐ, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì giấy chứng nhậnQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chungQSDĐ, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 1 giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.

Như vậy, so với quy định cũ, Thông tư 33 đã bổ sung đối tượng "những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất".

Với nội dung này, nhiều ý kiến băn khoăn, nếu ghi tên đầy đủ các thành viên trong hộ gia đình sẽ gặp khó khăn khi mua bán, chuyển nhượng, làm rắc rối thêm các thủ tục hành chính.

Giải thích, lãnh đạo Bộ TN&MT cho biết, quy định không phải bắt buộc ghi tên tất cả thành viên trong hộ gia đình vào sổ đỏ mà chỉ những người có QSDĐ, sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Ví dụ, Nhà nước cấp 1 miếng đất 100 - 200m2 dựa vào nhân khẩu, hộ khẩu thì đó là tài sản chung của hộ gia đình. Nhưng theo quy định trước đây, khi cấp sổ đỏ chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình đó trên sổ đỏ. Như thế, làm sao bảo vệ được quyền lợi của những người khác?

“Quy định trên để cá thể hóa những người có quyền lợi sử dụng đất đối với lô đất đó, để bảo vệ quyền lợi những người có QSDĐ chứ không bao gồm những thành viên trong khái niệm hộ gia đình”, lãnh đạo Bộ nói.

Ghi tên có thể thỏa thuận, thủ tục không phức tạp hơn

Ông cũng nói thêm, thời trước đất chưa có giá trị và khái niệm hộ sở hữu chung vẫn còn nên “mọi người vui vẻ để một người đứng ra đại diện”. Nhưng dần dần, đất đai được cá thể hóa và cũng đã có nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp.

“Thông tư này để xử lý tồn tại của một quá trình trước đây chưa tính đến cá thể hóa. Khi đó, quá trình tranh chấp xảy ra, không thể giải quyết được. Đây là yêu cầu của Tòa án, Viện Kiểm sát, các cơ quan này đề nghị ghi rõ cá thể chứ không thể để chủ thể, theo hộ”, vị lãnh đạo Bộ nói.

Cũng với nguyên tắc cá thể hóa, khi xử lý các nội dung liên quan đến đất đai, có thể diễn ra quá trình chia mảnh đất chung thành các miếng nhỏ cho từng người thì tới đây, chuyện này sẽ được pháp luật bảo vệ. “Nếu mình không có tên trong sổ đỏ thì lấy gì bảo vệ quyền lợi của mình”, lãnh đạo Bộ nêu.

Xác định tài sản chung cũng như quyền sử dụng chung như thế nào?

Theo lãnh đạo Bộ TN&MT, điều này phụ thuộc vào sự thỏa thuận dân sự. Ví dụ, khi giao đất cho một gia đình bao gồm cha mẹ và con cái, nếu con cái đồng thuận giao toàn bộ quyền sử dụng này cho cha hoặc mẹ thì có thể chỉ ghi tên cha hoặc mẹ trong sổ đỏ. Ngược lại, khi giao đất mà con cái đủ tuổi thành niên, có chung QSDĐ mà muốn ghi tên tất cả thì phải ghi tất cả. Trường hợp, sinh con sau thời điểm được cấp sổ đỏ thì người con không hoàn toàn có quyền với mảnh đất đó.

Với câu hỏi thông tư này có khiến các thủ tục liên quan đến đất đai phức tạp hơn không, ông khẳng định: “Không hề phức tạp hơn. Nhà nước vất vả thêm nhưng những người có quyền hợp pháp được bảo vệ tốt hơn với những người đã được pháp luật thừa nhận quyền lợi. Khi có tranh chấp thì sẽ xem xét bình đẳng và khi đó tòa án cũng có cơ sở xử lý”.

Với đất đai thừa kế, ông cho biết sẽ thực hiện theo các quy định hiện có.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/so-do-ghi-ten-thanh-vien-gia-dinh-ca-the-hoa-quyen-loi-tranh-tranh-chap_t114c1160n127350