Sổ đỏ đứng tên cả gia đình: 'Đảm bảo quyền lợi chính đáng cho mọi người'

Lãnh đạo bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng: 'Việc ghi tên các thành viên vào sổ đỏ, thủ tục quản lý không hề phức tạp hơn, Nhà nước vất vả thêm, nhưng những người có quyền hợp pháp được bảo vệ tốt hơn'.

Thông tư 33 sửa đổi bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT (ngày 19/5/2014) quy định: Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.

Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc cùng sử dụng đất hoặc cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”.

Trước những băn khoăn của dư luận, lãnh đạo bộ TN&MT cho rằng, vấn đề đất đai đang dần cá thể hóa. "Thông tư này đang giải quyết hậu quả của một thời kỳ cấp cho hộ, trong hộ có nhiều người được quyền sử dụng, đứng tên thì bây giờ từng bước cá thể hóa. Đây là việc cần thiết phải làm trong xã hội hiện nay để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tất cả mọi người. Ban đầu thực hiện có khả năng khó khăn", vị này nói.

Nguồn ảnh minh họa: Internet.

Nguồn ảnh minh họa: Internet.

“Thông tư này để xử lý quá trình trước đây, chúng ta chưa tính đến việc cá thể hóa, quá trình tranh chấp xảy ra không thể giải quyết được. Đây là yêu cầu của viện Kiểm sát và Tòa án đề nghị cần phải đi dần dần đến giấy sổ đỏ quyền sử dụng đất đã có 8 quyền, như vậy, phải chủ thể sang cá thể”, lãnh đạo bộ TN&MT nhấn mạnh.

Về vấn đề có dẫn đến các tranh chấp hay không, vị này nói: “Quy định này là để giải quyết tranh chấp chứ không phải lường trước tranh chấp.

Đề cập đến việc một sổ đỏ đứng tên nhiều người, việc tranh chấp dễ hơn, ông khẳng định: “Thủ tục quản lý không hề phức tạp hơn, Nhà nước vất vả thêm, nhưng những người có quyền hợp pháp được bảo vệ tốt hơn.

Ngày xưa cấp cho người đại diện chủ sở hữu, bây giờ muốn từng bước cá thể hóa quyền của những người có quyền sử dụng đất ở trên mảnh đất đó. Việc này là hết sức cần thiết.

Không thể để một người mang tính chất đại diện được. Đất ngày xưa không có giá thì giao cho chủ hộ. Giờ, đất là tài sản lớn, luôn luôn diễn ra sự tranh chấp phức tạp nên phải có hướng dẫn.

Pháp luật trước đây do những quy định chưa chặt chẽ mà đã có khái niệm cấp cho 1 chủ sở hữu đại diện thì bây giờ phải từng bước cá thể hóa. Quá trình này sẽ có những chuyện: Ví dụ trong một gia đình chia ra thành 4 miếng, chuyện này pháp luật bảo vệ là bình thường”.

Vị lãnh đạo cũng cho rằng, đây là vấn đề do thực tiễn đòi hỏi, người dân đòi hỏi, các tòa án, viện Kiển sát đang xử lý mà không xử lý nổi. “Đây là vấn đề cả quá trình lịch sử, tồn tại từ góc độ pháp luật. Tại sao đất đai là tài sản có đến 8 quyền mà lại cấp cho một ông đại diện?”, ông nói.

“Có bao nhiêu người trong hộ khẩu ở thời điểm cấp là căn cứ, còn sau thời kỳ đó có thêm bao nhiêu người nữa cũng không được tính”, lãnh đạo bộ TN&MT khẳng định.

Dương Thu

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/so-do-dung-ten-ca-gia-dinh-dam-bao-quyen-loi-chinh-dang-moi-nguoi-a348262.html