'Sổ Đỏ' của người Việt 800 năm trước trông như thế nào?

Trên phương diện pháp lý, mộc bài Đa Bối có vai trò tương tự như một 'Sổ Đỏ' - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời nay.

Được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, mộc bài Đa Bối là một hiện vật lịch sử độc đáo liên quan đến công tác quản lý đất đai ở Việt Nam thời phong kiến.

Được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, mộc bài Đa Bối là một hiện vật lịch sử độc đáo liên quan đến công tác quản lý đất đai ở Việt Nam thời phong kiến.

Chiếc mộc bài (bia gỗ) này được phát hiện vào đầu tháng 9/1962 tại thôn Bái Thượng (tên cũ là thôn Đa Bối), xã Thụy Phúc, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình. Hiện vật có chiều cao 2,48 mét, rộng khoảng 22 cm.

Những dòng chữ khắc cho thấy mộc bài này được dựng ngày 25/11 năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Thiệu Long 12 (1269), thời vua Trần Thánh Tông. Đây là một tài liệu về việc ban cấp ruộng đất của triều đình nhà Trần công thần.

Sau 800 năm, các ký tự trên mộc bài vẫn còn nguyên vẹn, rõ nét.

Trích dịch một số đoạn trên mộc bài: “Ngày 25 tháng 11, năm Kỷ Tỵ niên hiệu Thiệu Long thứ 12. An phủ sử ty phủ Long Hưng lộ Thiên Trường (nay thuộc tỉnh Nam Định – Thái Bình) là Đặng Thừa Khả, Thông phán thủ phân (người cắm đất) là Đặng Tiền...

“...Theo lệnh nhà vua đến cánh đồng Đa Bối của Thủ Nương cắm một khoảnh ruộng rộng 123 mẫu thêm 11 sào, để cấp cho Nguyễn Nghiên, Nguyễn Siêu, Nguyễn Việt...”.

“...Nay chiểu các hướng Đông – Tây – Nam – Bắc trong địa đồ đặt mộc bài này làm bằng chứng”.

Theo các nhà nghiên cứu, mộc bài Đa Bối là một hiện vật lịch sử vô giá, giúp hậu thế hiểu rõ hơn về chế độ phong cấp điền trang thái ấp dưới triều Trần.

Trong chế độ này, điền trang là những trang trại lớn của các quý tộc nhà Trần, do quý tộc trực tiếp quản lý, sử dụng sức lao động của gia nô, nô tì, có quyền thừa kế. Đó là bộ phận ruộng đất thuộc sở hữu của tầng lớp quý tộc.

Còn thái ấp là ruộng đất do nhà vua ban cấp cho các quý tộc và triều thần có công. Quy mô một thái ấp tương đối nhỏ, tương đương khoảng 1, 2 xã thời xưa.

Trên phương diện pháp lý, có thể nói mộc bài do triều đình ban cấp có vai trò tương tự như một “Sổ Đỏ” - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời nay.

Đặc biệt, trên mộc bài Đa Bối có sử dụng chữ “Đồng” là một chữ Nôm, bằng chứng cho thấy loại chữ bản địa Việt Nam này đã được sử dụng trong các văn bản hành chính của triều đình từ thế kỷ 13-14...

Mời quý độc giả xem video: Giải mã thông điệp ý nghĩa trống đồng Đông Sơn. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/so-do-cua-nguoi-viet-800-nam-truoc-trong-nhu-the-nao-1468796.html