Số điện thoại đẹp, tên miền internet sẽ được đấu giá thế nào?

Ngày 201/10, Bộ Tư pháp cho biết đang tiến hành thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo.

Sim số đẹp tới đây sẽ được tổ chức đấu giá

Sim số đẹp tới đây sẽ được tổ chức đấu giá

Thế nào là số đẹp?

Theo dự thảo tờ trình cho rằng, người Á Đông theo phong thủy thường mong muốn có được số đẹp với mong muốn may mắn, phúc lộc cho người sở hữu. Tuy nhiên khái niệm số đẹp lại phụ thuộc vào quan niệm, nhận thức của từng người hoặc cũng có thể do ảnh hưởng của trào lưu trong xã hội, ví dụ số đẹp có thể là ngày sinh, ngày cưới, ngày lễ trọng đại, số tiến, số lặp, số gánh…

Qua kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy với những nước Châu Á (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Hồng Kông,..) thường lựa chọn các số thuê bao di động hoặc cố định có cấu trúc đặc biệt để đấu giá.

Còn đối với các nước Châu Âu (Anh, Hà Lan), Mỹ, Úc thì thường lựa chọn các mã, số dịch vụ có cấu trúc đặc biệt đấu giá để khách hàng tiếp cận dễ dàng đến các dịch vụ mà tổ chức, doanh nghiệp cung cấp qua số dịch vụ đó, từ đó mang lại lợi ích cho tổ chức, doanh nghiệp sử dụng mã, số dịch vụ đặc biệt đó.

Để từng bước thiết lập hình thức quản lý việc sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet kết hợp cơ chế hành chính với cơ chế thị trường nhằm đảm bảo sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet một cách hiệu quả, tiết kiệm… Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet dựa trên cơ sở các quy định của Luật Viễn thông và Luật quản lý tài sản công năm 2017 và các quy định khác liên quan.

Tiêu chí định giá để đấu giá

Vẫn theo Bộ TT&TT, kho số viễn thông, tên miền Internet là loại tài nguyên đặc thù rất có giá trị, đôi khi là hữu hạn trong ngành viễn thông. So với các hàng hóa thông thường khác ở dạng vật chất (bất động sản, xe cộ, máy móc…) thường đã có nhiều giao dịch trên thị trường, để có căn cứ so sánh giá, kho số viễn thông đặc biệt là mã mạng di động, số dịch vụ tin nhắn ngắn chưa từng có giao dịch mua bán, đấu giá, chuyển nhượng trên thị trường Việt Nam.

Vì vậy có rất ít số liệu thực tế để áp dụng các phương pháp như so sánh, chi phí, thu nhập và các phương pháp khác theo các tiêu chuẩn thẩm định giá do Bộ Tài chính ban hành.

Theo đó, Bộ TT&TT đề xuất phương pháp xác định giá khởi điểm để đấu giá bằng công thức cũng chính là phương pháp so sánh (trên cơ sở thu thập số liệu giá trúng đấu giá của từng quốc gia, vùng lãnh thổ, sau đó thông qua tỷ số GDPvn /GDPi (GDPvn là chỉ số thu nhập bình quân đầu người danh định (GDP/capita) của Việt Nam tại thời điểm xác định giá khởi điểm, đơn vị tính là đô la Mỹ/người; GDPi là chỉ số thu nhập bình quân đầu người danh định (GDP/capita) của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tương ứng với mẫu thứ i tại thời điểm quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó công bố, đơn vị tính là đô la Mỹ/người) nhằm đảm bảo tính tương đồng về mặt kinh tế, xã hội, thị trường viễn thông…

Bộ TT&TT cho rằng, giá khởi điểm xác định theo công thức trên chỉ sử dụng để bắt đầu cuộc đấu giá, giá trúng đấu giá sẽ do thị trường quyết định.

Mã, số viễn thông được đấu giá sẽ được lựa chọn từ kho số viễn thông của Nhà nước chưa phân bổ và kho số viễn thông đã phân bổ nhưng chưa đưa vào sử dụng của doanh nghiệp viễn thông.

Trong đó, nhóm thứ nhất gồm các mã, số viễn thông được xem xét, lựa chọn từ kho số viễn thông chưa được phân bổ: mã mạng di động, số dịch vụ tin nhắn ngắn (SMS) sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá. Đối tượng tham gia đấu giá là doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông.

Nhóm thứ hai gồm các mã, số viễn thông được xem xét lựa chọn từ kho số viễn thông đã phân bổ nhưng chưa sử dụng (chưa cấp cho người sử dụng qua hợp đồng giao kết với doanh nghiệp): số thuê bao di động. Doanh nghiệp viễn thông sẽ tổ chức đấu giá; đối tượng tham gia là tổ chức, cá nhân.

Tên miền nào được đấu giá

Về danh mục tên miền mang ra đấu giá, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết các tên miền cấp 2 “.vn” có 1 hoặc 2 ký tự thuộc danh mục tên miền cấp quyền sử dụng thông qua đấu giá.

Để chặt chẽ hơn về quy định pháp lý, quy định về danh mục tên miền được phân bổ sử dụng thông qua phương thức đấu giá được quy định trực tiếp tại nội dung dự thảo còn bao gồm: Các tên miền quốc gia “.vn” không dấu cấp 2 dùng riêng có 1 ký tự; các tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” không dấu cấp 2 dùng riêng có 2 ký tự (trừ các tên miền được bảo vệ theo quy định tại Điều 68 Luật Công nghệ Thông tin và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan).

Đối với các tên miền Internet được cấp quyền sử dụng thông qua đấu giá, nhà đăng ký đang quản lý tên miền là nơi tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền.

Trên cơ sở xem xét hồ sơ chuyển nhượng, nhà đăng ký gửi yêu cầu về Thông tin từ Trung tâm internet Việt Nam (VNNIC) để phê duyệt yêu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet.

Dự thảo quyết định đưa ra các trường hợp không được phép chuyển nhượng tên miền Internet như tên miền được ưu tiên bảo vệ, bao gồm tên miền là tên gọi của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và tên miền khác liên quan đến lợi ích, an ninh chủ quyền quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định; tên miền Internet đang xử lý vi phạm, đang trong quá trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại hoặc đang bị tạm ngừng sử dụng.

Dương Lê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/so-dien-thoai-dep-ten-mien-internet-se-duoc-dau-gia-the-nao-1738191.tpo