Sợ dịch tả, thịt heo ở Sài Gòn ế chỏng chơ

Mặc dù chưa ghi nhận dịch tả heo châu Phi tại TPHCM, thế nhưng tại nhiều chợ ở TPHCM, tiểu thương kinh doanh thịt heo cho biết lượng người mua giảm đi rất nhiều.

Nhiều tiểu thương khóc ròng vì thịt ê hề mà vắng người mua

Nhiều tiểu thương khóc ròng vì thịt ê hề mà vắng người mua

Mặc dù đã vào giờ cao điểm sáng người dân đến chợ nhiều nhất, thế nhưng ghi nhận tại chợ Phú Lâm (Q.6) sáng ngày 28/3, đa số các quầy hàng thịt heo đều trong tình trạng ế ẩm. Chị Thảo (tiểu thương trong chợ) buồn hiu: “Mọi khi giờ này khách đông lắm, nhưng giờ chị thấy đó, chỉ một – hai người tạt qua quầy hàng thịt heo và mua rất ít. Người ta sợ dịch tả heo châu Phi, dù mình khẳng định heo mạnh khỏe, có nguồn gốc, giấy tờ hẳn hoi nhưng khách vẫn lo ngại không mua. Lúc này ế lắm, bán có vài chục ký mà cả ngày vẫn không hết”.

Dù đã vào giờ cao điểm sáng ở chợ, nhưng nhiều quầy hàng thịt heo ở chợ Phú Lâm (Q.6) vẫn vắng khách

Tiểu thương không dám lấy hàng nhiều như trước

Tình trạng thịt heo ế cũng diễn ra ở nhiều chợ Sài Gòn. Đã quá trưa, nhiều quầy sạp thịt heo ở chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3), Bến Thành (Q.1), Hòa Hưng (Q.10)… vẫn ê hề thịt chờ người mua. Phe phẩy chiếc quạt đuổi ruồi, chị Hương (tiểu thương kinh doanh thịt heo ở chợ Tân Định, Q.1) rầu rĩ: “Bình thường giờ này đã hết rồi, mấy hôm nay ế lắm, mời khách nào cũng từ chối. Trước, cốt lếch, sườn non hết hàng khi mới ra sạp, nay đến chiều vẫn còn chỏng chơ, giao quán ăn họ cũng lắc đầu ép giá”.

Tương tự, chị Hiền (thương chợ Căn cứ 26A, Q.Gò Vấp) cũng than thở: “Bình thường, tôi lấy đến 2 con heo bán hết vèo trong buổi sáng. Mấy hôm nay mối quen đi đâu hết, sức mua giảm dần, giờ tôi chỉ dám lấy vào một con mà bán rất chật vật”.

Một tiểu thương bức xúc phản ánh tình với bà Phạm Khánh Phong Lan về việc nhiều người lấn chiếm lế bên chợ kinh doanh, khiến cho tiểu thương trong chợ ngày càng ế ẩm

Ngày 28/3, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM đã khảo sát mô hình thí điểm ATTP tại chợ Phú Lâm (Q.6). Tại đây, đoàn đã kiểm tra nhiều mặt hàng tươi sống như thịt heo, tôm, cua cá…; yêu cầu tiểu thương cung cấp hóa đơn chứng từ, sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm…

Chợ Tân Định (Q.1) cũng vắng khách mua thịt heo

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý ATTP TPHCM cho rằng: “Đừng mặc định hàng ở siêu thị tất cả đều an toàn, còn hàng ở chợ thì không sạch sẽ, đảm bảo. Hiện nay chúng tôi đã yêu cầu tiểu thương các chợ phải cung cấp được hồ sơ, sổ sách hàng hóa để từ đó có thể truy ra xuất xứ sản phẩm. Đó chính là bằng chứng để truy suất nguồn gốc, đảm bảo hàng hóa cung ứng ra thị trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng”.

Tiểu thương ngành hàng rau cung cấp sổ sách, hóa đơn khi nhập hàng

Theo Ban quản lý, hiện đã có 24/24 quận huyện đăng ký tham gia mô hình thí điểm chợ ATTP, tiến tới sẽ mở rộng ở hầu hết các chợ tại TPHCM. Được biết, muốn được công nhận chợ ATTP thì hàng hóa phải truy xuất được nguồn gốc. Nếu làm tốt chợ ATTP thì sẽ có sản phẩm hàng hóa an toàn cho người dân thành phố.

Nói về dịch tả heo châu Phi, Trưởng ban quản lý ATTP TPHCM khẳng định: “Tôi khẳng định là dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh cho người, nhiều người nhầm cho rằng ăn lợn mắc dịch này sẽ gây dịch tả cho người là không đúng. Virus này chỉ gây xuất huyết cho lợn đi kèm với tả. Tôi cho rằng người dân khi chọn mua thịt heo thì nên chọn nơi uy tín, không ham rẻ mà mua thịt kém chất lượng. Bởi nếu mua phải thịt heo trôi nổi, dù không có dịch tả heo châu Phi thì cũng có nguy cơ mắc những bệnh khác”.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/so-dich-ta-thit-heo-o-sai-gon-e-chong-cho-1394503.tpo