Sơ cứu, điều trị bong gân, trật khớp

Bong gân là sự tổn thương của bao khớp, phổ biến là các dây chằng, thường xảy ra sau một động tác quá mạnh nhưng không gây ra trật khớp hoặc gãy xương. Những khớp xương thường bị bong gân là cổ chân, đầu gối, cổ tay...

Tai nạn này thường xảy ra do ngã hoặc trượt chân; sức nặng cơ thể chuyển hướng đột ngột khiến khớp bị xoắn vặn, dây chằng khớp bị kéo căng ra quá mức. Trong khi đó, trật khớp là sự di chuyển bất thường giữa các đầu xương làm cho các mặt khớp bị lệch lạc.

Các loại bong gân, trật khớp

Do chấn thương là chủ yếu: Tai nạn giao thông; tai nạn lao động; tai nạn thể dục thể thao, tai nạn học đường. Ngoài ra còn do bệnh lý: viêm khớp háng, trật khớp vai do liệt cơ delta, do trật khớp bẩm sinh. Đáng lưu ý, mỗi tuổi thường có một loại bong gân và trật khớp. Trẻ em: khớp khuỷu.

Người lớn: khớp vai, khớp háng. Hay gặp bong gân và trật khớp: Ở tuổi trẻ, tuổi lao động. Nam nhiều hơn nữ.

TS. BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TPHCM

TS. BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TPHCM

Bất cứ khớp xương nào trong cơ thể cũng đều có thể bị bong gân nhưng thường gặp nhất là khớp cổ chân, cổ tay, khớp vai, khớp gối. Nhất là trong tập luyện thể dục thể thao và võ thuật. Có 3 dạng bong gân: Bong gân nhẹ (dây chằng chỉ căng dãn chứ không đứt rách). Bong gân vừa (dây chằng đứt rách một phần). Bong gân nặng (nhiều dây chằng cùng bị đứt rách hoặc bao khớp bị rách hoặc một số cơ bị rách).

Trật khớp mới xảy ra ngay sau tai nạn. Trật khớp cũ triệu chứng sau tai nạn 3 tuần. Trật khớp tái diễn diễn ra nhiều lần, tần suất > 8-10 lần.

Điểm giống nhau: Đau và sưng nhiều tại vùng đau, chiều dài chi có thể không bình thường, chỗ mà khớp tổn thương có thể lỏng lẻo.

Điểm khác nhau của bong gân và trật khớp, gồm: Bong gân thì khớp vẫn còn hoạt động được nhưng cử động đau. Còn trật khớp sẽ làm giảm hay mất vận động của khớp. Có những triệu chứng điển hình của trật khớp: vai vuông trong trật khớp vai, dấu nhát rìu trong trật khớp khuỷu. Có thể khám thấy dấu hiệu hõm khớp rỗng. Chỏm xương ở vị trí bất thường/cử động đàn hồi (dấu lò xo): Kéo chi ra khỏi vị trí trật khớp, rồi thả chi ra, chi sẽ về tư thế ban đầu. Chi lệch trục, chi, có thể có dấu hiệu chèn ép mạch máu thần kinh: mất mạch, bị tê vùng dưới chỗ trật khớp.

Nguyên tắc sơ cứu và điều trị

Chườm lạnh bằng các túi chườm hoặc bằng túi đá lên chỗ tổn thương, băng nhẹ chỗ khớp để giảm sưng tề to, giảm chảy máu và góp phần cố định khớp. Bất động khớp và chỗ bong gân nếu nạn nhân bong gân nặng, chở ngay đến các bệnh viện chuyên khoa để chữa trị kịp thời.

Điều trị bong gân và trật bằng Y học cổ truyền dùng thủ thuật là chính. Nguyên tắc điều trị như sau: Dùng thủ pháp chỉnh cốt để đưa khớp về vị trí cũ. Bên ngoài dùng thuốc cao, thuốc đắp và băng bó lại. Bên trong cho uống các thuốc hoạt huyết chỉ thống, sinh cơ... Các thuốc đắp, dán tiêu sưng một ngày một đêm lại thay, 2-3 ngày tái khám để xem khớp có còn đau, có cần chỉnh lại không.

Một số bài thuốc dùng để điều trị khác. Thuốc rửa: Lá trầu không tươi 40g, đun sôi với 2l nước trong 15 phút. Để nguội cho Phèn phi vào lọc để rửa vết thương.

Thuốc đắp: Nghệ giã nát đắp lên vết thương. Ngò tàu giã nát đắp lên vết thương. Vỏ thân cây gạo tươi, rau má tươi, vòi voi tươi và bồ công anh tươi, bốn thứ lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nát, bó vào chỗ sưng đau. Vỏ thân cây gạo tươi, lá náng, quả đu đủ non, ba thứ lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nhuyễn, đắp vào chỗ sưng đau.

Lá náng 1-2 lá. Hơ trên lửa cho nóng chín buộc vào nơi đau và bóp. Khi nguội lại hơ nóng và bóp tiếp. Ngày làm 2-3 lần, chữa bong gân, trật gân, đau nhức khớp xương, tê mỏi bắp thịt. Lá cây đại tươi 100-200g, rửa sạch, giã nhỏ đắp tại chỗ băng lại. Ngày 2 lần, chữa bong gân, chấn thương xung huyết.

Thuốc uống: Giấm nấu với gừng già, gạo rang, đậu rang và cải bẹ xanh lấy nước uống. Nấm mèo chưng rượu, ăn. Lá sen khô đốt tồn tính, tán bột uống với đồng tiện. Đậu đen sao đen tồn tính, giã nát ngâm với rượu uống. Vỏ thân cây gạo 16g (cạo bỏ vỏ ngoài, sao rượu), lá lốt 16g (sao vàng), sắc với 750ml nước, cô còn 250ml, chia uống 2 lần trong ngày. Dùng bài thuốc Tứ vật đào hồng, hay thuốc thành phẩm Bổ khí thông huyết.

Nếu chỗ bong gân bị tụ máu, sưng bầm thì ta dùng kim tam lăng (kim 3 cạnh) chích huyết 1-2 chỗ để máu ứ thoát ra giảm đau nhức. Sau đó nắn sửa gân khớp về nguyên trạng rồi châm theo phương huyệt sau: Huyệt A thị: Lấy điểm đau nhất của vùng đau làm huyệt, huyệt này có thể nằm trong đường kinh hoặc ngoài đường kinh. Nếu vùng đau lớn: Châm 1 kim chỗ đau nhất, 4 bên 4 kim xiên vào kim giữa (Dương thích). Nếu vùng đau nhỏ: Châm 1 kim chỗ đau nhất, 2 bên châm 2 kim xiên vào kim giữa (Tề thích).

Huyệt lân cận: Châm quanh huyệt A thị từ 2-4 kim. Huyệt tuần kinh: Châm huyệt đầu (huyệt tỉnh) nằm trên đường kinh đi qua chỗ bong gân, sai khớp. Huyệt hỗ trợ: Đại trữ (chủ về xương). Dương lăng tuyền (chủ về gân). Ủy trung (đặc hiệu chữa bong gân, sai khớp-chích nặn máu).

Thủ thuật: Châm tả vê kim mạnh kích thích các huyệt trên cho đắc khí. Châm xong dùng điếu ngải hoặc 4-5 cây nhang chụm lại làm một mà cứu vào huyệt cho da đỏ lên để thông kinh mạch, hết sưng đau.

Đi đứng, chạy nhảy, luyện tập thể dục thể thao phải đúng tư thế. Kiểm tra nơi tập luyện và các phương tiện lao động trước khi tập và lao động. Cẩn thận với những nơi đường đi núi dốc, đất đá lổn nhổn...

TS. BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TPHCM

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/suc-khoe/so-cuu-dieu-tri-bong-gan-trat-khop-80222.html