Sở Công Thương Đắk Lắk nói gì về việc người dân đổ xô tích trữ hàng hóa?

Trước tình trạng người dân TP.Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) đổ xô đi mua sắm hàng hóa trước giờ giãn cách theo Chỉ thị 16, ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo mọi người cần bình tĩnh, không nên chạy theo tâm lý đám đông.

Người dân ở TP.Buôn Ma Thuột đổ xô đi chợ chiều 23/7 trước khi có lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 24/7

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị, TP.Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin sẽ giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0 giờ ngày 24/7 đến hết ngày 7/8. Từ trưa 23/7 đến hiện tại, người dân hai địa phương này đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, gây ra tình trạng quá tải tại một số chợ đầu mối, trung tâm thương mại lớn.

Chia sẻ với Tiền Phong tối 23/7, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương cho biết, sở đã lên các phương án đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng hàng hóa thiết yếu, ứng phó dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh cả tháng nay. Trong đó, sở đưa ra các tình huống với các mức độ khác nhau, xấu nhất là trường hợp giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

“Hiện nay nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh vẫn rất dồi dào, ổn định. Toàn tỉnh hiện có 597 trang trại chăn nuôi; Diện tích trồng lúa nước xấp xỉ 45.000ha; diện tích rau, củ hơn 10.400ha; diện tích thủy sản hơn 13.050ha. Với hệ thống phân phối rộng lớn, gồm 148 chợ truyền thống, 1 chợ đầu mối; hệ thống siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Cư M’gar; siêu thị Go Buôn Ma Thuột; siêu thị Vinmart; siêu thị MM Mega Market; Siêu thị Vmart Ea Kar và hệ thống các cửa hàng Bách Hóa Xanh) đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn trong giai đoạn dịch bệnh, kể cả trường hợp giãn cách toàn tỉnh”, báo cáo của Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh Ngọc Dương, tỉnh Đắk Lắk đã và đang phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố đẩy mạnh kết nối, đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn và lưu thông chuyển đến các địa phương bị cách ly, giãn cách xã hội trong mọi tình huống.

“Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá tại các điểm bán hàng cả trong và ngoài khu vực cách ly do dịch, bệnh; Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, găm hàng, đầu cơ tích trữ, nâng giá cao hơn so với giá thị trường”, lãnh đạo Sở Công Thương Đắk Lắk nhấn mạnh.

Một góc TP.Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Một góc TP.Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Trong các phương án, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cũng đưa ra giải pháp cho trường hợp xấu nhất là giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng.

Theo đó, nếu rơi vào trường hợp này, bên cạnh quán triệt người dân áp dụng biện pháp mua sắm hàng hóa trực tuyến, đẩy mạnh thương mại điện tử, tỉnh Đắk Lắk sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ về vốn để các đơn vị tiếp tục duy trì công tác tạo nguồn hàng, sản xuất và phân phối hàng hóa trên địa bàn; đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu bổ sung kịp thời nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân.

Đồng thời, huy động, tận dụng các phương tiện ô tô, vận chuyển sẵn có trên địa bàn, tại các cơ quan, đơn vị để tham gia vận chuyển hàng hóa đến các khu cách ly, phong tỏa và các khu vực thiếu nguồn hàng trong giai đoạn khẩn cấp phòng chống dịch, đảm bảo hàng hóa thiết yếu được cung ứng liên tục, không gián đoạn cho người dân.

Tính toán của Sở Công thương Đắk Lắk về nhu cầu tiêu dùng và khả năng đáp ứng của người dân trong tình huống phải giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16

Trong trường hợp dịch bệnh lan rộng khan hiếm hàng hóa trên diện rộng, đứt nguồn cung, theo ông Dương, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các đơn vị cung ứng thu mua các sản phẩm rau, củ và các loại thịt heo, bò, gà trong dân để cung ứng cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Cục Quản lý Thị trường sẽ chủ trì phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các hành vi “găm hàng” tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, quan trọng bây giờ, chính quyền và các sở ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ, tránh tâm lý hoang mang lo lắng dẫn đến gom mua hàng dự trữ ảnh hưởng đến tình hình cung cầu thị trường.

Tuấn Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/so-cong-thuong-dak-lak-noi-gi-ve-viec-nguoi-dan-do-xo-tich-tru-hang-hoa-post1358567.tpo