Số câu vận dụng cao giảm hẳn so với đề thi năm 2018

Sáng 27/6, kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã chính thức khép lại sau khi các thí sinh hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm 3 môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Nhiều thầy cô giáo nhận định, đề thi năm nay bám sát cấu trúc đề thi tham khảo và kiến thức chủ yếu thuộc chương trình lớp 12.

Đối với môn Địa lý, đề thi (mã đề 315) bám sát cấu trúc đề thi tham khảo và nội dung hướng dẫn về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đề gồm 40 câu, nội dung kiến thức chủ yếu thuộc lớp 12 (90%), 10% còn lại thuộc phần kiến thức lớp 11. Đề thi không xuất hiện dạng câu hỏi mới lạ hoặc các câu hỏi gây nhiễu với học sinh. Chuyên đề thực hành Địa lý vẫn chiếm tỉ trọng nhiều nhất trong đề thi (15 câu) như thông lệ hàng năm.

Trong đề thi, khoảng 24 câu hỏi đầu (chiếm 60%) ở mức độ đơn giản với các dạng bài tương đối quen thuộc. Các câu hỏi vận dụng cao giảm hẳn so với đề thi năm 2018 cả về mức độ khó và số lượng câu hỏi (từ 12 câu xuống còn 6 câu). Số lượng các câu hỏi thông hiểu và vận dụng có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2018.

Phân tích ma trận đề thi môn Địa lý.

Phân tích ma trận đề thi môn Địa lý.

Đối với môn Lịch sử, đề thi không yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc các sự kiện, mốc thời gian, hay nhân vật lịch sử mà thiên về khả năng đánh giá, phân tích hay khái quát vấn đề. Đề thi cũng xuất hiện các câu hỏi có sự liên kết giữa Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới, đặc biệt đề thi xuất hiện nhiều câu hỏi so sánh (6 câu).

Phần lịch sử thế giới có 12 câu hỏi (chiếm 30%) bao gồm cả chương trình lớp 11 và lớp 12. Kiến thức trải đều các nội dung của lớp 12 và chuyên đề Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội từ năm 1917 - 1921 của lớp 11. Chuyên đề tập trung nhiều câu hỏi nhất là chuyên đề Các nước Á, Phi, Mĩ Latinh từ 1945 – 2000.

Phần lịch sử Việt Nam có 28 câu hỏi (chiếm 70%) có 3 câu thuộc chương trình lớp 11. Cũng như mọi năm, các câu hỏi Vận dụng cao chủ yếu thuộc phần Lịch sử Việt Nam. Để xử lí các câu hỏi này, học sinh cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa. Đồng thời cần có cái nhìn tổng quát, xuyên suốt các giai đoạn lịch sử theo chiều thời gian và mối quan hệ không gian (Lịch sử Việt Nam và thế giới) mới có thể giải quyết được những câu hỏi dạng này.

Gần 900.000 thí sinh đã hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Nhìn chung, mặc dù đề thi năm 2019 có xu hướng giảm số lượng câu hỏi ở mức độ vận dụng cao từ 12 câu xuống còn 8 câu nhưng độ khó của các câu hỏi này lại có xu hướng nhỉnh hơn. Đặc biệt, sự xuất hiện nhiều dạng câu hỏi so sánh cũng như các câu hỏi có mối quan hệ liên chuyên đề khiến cho đề thi đảm bảo được mức độ phân hóa ở mức tương đối tốt.

Đối với môn Giáo dục công dân, so với đề thi năm 2018, đề thi năm 2019 giảm về độ khó. Điều này được thể hiện ở số câu hỏi vận dụng cao giảm so với đề thi năm 2018 (từ 12 câu xuống 8 câu), tăng số câu hỏi ở mức độ thông hiểu. Số lượng câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu tương đương đề thi năm 2018.

Tuy nhiên, mặc dù giảm số lượng câu hỏi vận dụng cao nhưng mức độ khó của các câu hỏi này vẫn giữ nguyên, thậm chí dữ liệu được đưa trong câu hỏi có khả năng gây nhiễu cho học sinh tương đối tốt. Đặc biệt, câu 115 (mã đề 308) thông tin đưa ra một vấn đề nhưng vấn đề được hỏi lại xoay quanh một vấn đề khác nên học sinh cần phải hết sức lưu ý trong việc kết nối và xử lí vấn đề để lựa chọn đáp án đúng.

Đặc biệt, môn Giáo dục công dân là môn học có sự gắn kết chặt chẽ với cuộc sống vì xoay quanh mối quan hệ công dân với nhà nước, pháp luật. Do đó, đề thi môn Giáo dục công dân đã thể hiện rất rõ ràng mối quan hệ này, từ câu 105 trở đi là các câu hỏi lồng ghép các tình huống thực tiễn. Tuy nhiên, đề thi năm nay không xuất hiện các câu hỏi mang tính thời sự như đề thi năm 2018.

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/so-cau-van-dung-cao-giam-han-so-voi-de-thi-nam-2018-93082.html