Sở cấp phép hát dù tác giả không đồng ý

Sở VH-TT-DL Vĩnh Phúc vừa cấp phép cho chương trình 'Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu VN 2019' được biểu diễn bài hát Sống như những đóa hoa của nhạc sĩ Tạ Quang Thắng.

Sự kiện 'Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu VN 2019' tối 13.7 bị hủy bỏ - Ảnh: Trần Hiệp

Khi biết thông tin này, nhạc sĩ đã lên tiếng trên trang Facebook cá nhân: “Có người gửi email xin phép sử dụng bài hát em sáng tác (chắc là do người khác hát) thì quản lý của em cũng trả lời qua email là không đồng ý cho sử dụng rồi ạ”. Cũng phải nói thêm, “Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu VN 2019” là một chương trình đầy tai tiếng, đã bị hủy vì không đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp.

Trước đây, những việc như thế này không thể xảy ra. Theo quy định về nghệ thuật biểu diễn, muốn được cấp phép biểu diễn, đơn vị tổ chức phải gửi kèm theo hồ sơ xin cấp phép văn bản thỏa thuận với người đang nắm quyền sở hữu bài hát. Nó sẽ đảm bảo hai điều. Thứ nhất, chủ sở hữu tác phẩm nhận được tiền tác quyền. Thứ hai, tránh trường hợp chủ sở hữu không muốn cho bài hát của mình xuất hiện ở một chương trình nào đó như quảng cáo rượu bia hay do một ca sĩ nào đó trình diễn mà họ không thiện cảm. Tuy nhiên, theo Nghị định 142 mới đây, yêu cầu này không còn.

Cục Nghệ thuật biểu diễn khi bỏ điều khoản này còn cho rằng sẽ giảm thủ tục hành chính, không muốn hành chính hóa quan hệ dân sự. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, nên có thỏa thuận bằng văn bản sẽ tránh được rủi ro. Ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), nói: “Lưu ý một điều, đây là tài sản riêng của tác giả, không phải của cơ quan cấp phép”.

Những tranh cãi trong việc cần có thỏa thuận cho phép sử dụng tác phẩm âm nhạc giữa chủ sở hữu với ban tổ chức trong hồ sơ cấp phép biểu diễn đã diễn ra từ lâu. Năm 2016, nhiều nhạc sĩ đã tập trung ở Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc VN để phản đối việc Cục Nghệ thuật biểu diễn định bỏ quy định này. Cùng năm, Thông tư 01 hướng dẫn Nghị định 15 còn bị "phản đối" tại cuộc họp trực tuyến của Bộ VH-TT-DL. Thông tư này chỉ yêu cầu ban tổ chức biểu diễn cam kết với Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ thực hiện đúng tác quyền chứ không phải thỏa thuận với chủ sở hữu.

Năm 2018, khi soạn thảo nghị định mới, việc cấp phép không cần thỏa thuận sử dụng với người sở hữu tác phẩm âm nhạc lại bị phản đối lần nữa. Tuy nhiên, Nghị định 142 vẫn được thông qua với nội dung không cần thỏa thuận nói trên. Lần gần nhất, khi Nghị định 142 đã ra đời, VCPMC đặt vấn đề này ra lần nữa. Ông Nguyễn Văn Thuận, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cũng cho rằng việc bỏ quy định này dễ gây ra tâm lý của người sử dụng tác phẩm là “vốn đã không chấp hành rồi thì tăng thêm không chấp hành”.

Các vụ chây ì không trả tác quyền từ trước tới nay vẫn diễn ra. Tuy nhiên, trường hợp tác giả không đồng ý cho hát mà Sở vẫn cấp phép biểu diễn thì đây là lần đầu. Nó cho thấy những cảnh báo trước đây của báo chí và chuyên gia là có cơ sở. Có lẽ, cơ quan soạn thảo Nghị định 142 cần xem xét lại điều khoản này.

Trinh Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/so-cap-phep-hat-du-tac-gia-khong-dong-y-1103338.html