Số ca viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang có dấu hiệu tăng mạnh

Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận và khám cho hơn 100 người viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang.

 Độc tố của kiến ba khoang là Pederin (C24H43O9N), với độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang.

Độc tố của kiến ba khoang là Pederin (C24H43O9N), với độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang.

Đa phần bệnh nhân đến khám sau 3-4 ngày xuất hiện các vệt đỏ đầu tiên sau khi tiếp xúc với độc tố của kiến. Thậm chí, có những gia đình có 2-3 người cùng bị dính nọc của kiến ba khoang gây tổn thương nặng.

Theo bác sĩ Quách Thị Hà Giang, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, những trường hợp viêm da nặng, bệnh nhân cần điều trị kết hợp kháng sinh, kháng histamin giảm đau, ngứa, bội nhiễm và phải mất từ 5-7 ngày, tình trạng bệnh mới ổn định.

Độc tố của kiến ba khoang là Pederin (C24H43O9N), với độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên chủ yếu gây bỏng da, dễ nhầm với "giời leo".

Khi bị kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể, không nên dùng tay đập chết kiến để tránh độc tố tiết ra. Khi bị dính chất độc, tránh gãi hay chà mạnh để ngăn ngừa bội nhiễm bị lan rộng thêm.

Bác sĩ Giang khuyến cáo, viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu xử trí đúng cách.

Cụ thể, người bệnh chỉ cần rửa sạch vùng da tiếp xúc với kiến dưới vòi nước sạch, bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng. Nếu thấy dị ứng, kích ứng da thì nên đến cơ sở y tế khám, không tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.

Để phòng tránh kiến ba khoang, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang.

Kiến có thể gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất xâm nhập qua da. Ban đầu người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6 - 12 giờ, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1-5mm, 1-3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này, người bệnh thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương.

Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm da sẽ tiến triển sang dạng loét. Các vết loét có nhiều hình dạng khác nhau tùy theo động tác khi ta đập, giết và chà xát kiến trên da. Một số ít trường hợp chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa, lặn sau 3 - 5 ngày, không thành phỏng.

Dương Châu

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/so-ca-viem-da-do-tiep-xuc-kien-ba-khoang-co-dau-hieu-tang-manh-d274410.html