Số ca tử vong vì Covid-19 toàn cầu vượt ngưỡng 2,5 triệu

Theo thống kê, tính đến 6h ngày 25-2, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 113.049.505 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 2.505.899 ca tử vong.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đánh giá cao hiệu quả vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Johnson & Johnson.

Châu Á

Ngày 24-2, Bộ Y tế Campuchia xác nhận số ca mắc Covid-19 liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20-2” tiếp tục tăng, với 40 trường hợp nhiễm mới, trong đó có 35 người Trung Quốc, 2 người Việt Nam, 1 người Campuchia và 2 ca được cho là thuộc diện nhập cảnh (đều là người Trung Quốc).

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, Campuchia đang có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 quy mô lớn, đồng thời kêu gọi sự hợp tác của tất cả mọi người để phòng ngừa những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra.

Tại Lào, chính quyền địa phương trên cả nước tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch và giám sát người nhập cảnh để ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 thứ hai. Người nhập cảnh vào Lào, đặc biệt là công nhân quay trở về nước sẽ phải cách ly tại các trung tâm 14 ngày và phải đo thân nhiệt khi nhập cảnh.

Tại Indonesia, công dân nước này và người nước ngoài sẽ buộc phải cách ly 5 ngày tại các địa điểm do chính phủ chỉ định sau khi nhập cảnh. Ngoài ra, mọi công dân khi nhập cảnh vào Indonesia đều phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong khoảng thời gian tối đa là 3 ngày trước khi khởi hành.

Cùng ngày, Nhật Bản cho biết sẽ bắt đầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người cao tuổi từ ngày 12-4 tới, trong bối cảnh nước này mở rộng chương trình tiêm chủng quốc gia cho những đối tượng ngoài nhân viên y tế.

Từ ngày 1-3, Ấn Độ sẽ bắt đầu tiêm chủng cho người trên 60 tuổi và người trên 45 tuổi có bệnh nền. Việc tiêm chủng sẽ là miễn phí tại 10.000 bệnh viện công và phải trả phí tại 20.000 cơ sở y tế tư nhân.

Malaysia đã bắt đầu triển khai Chương trình tiêm chủng quốc gia vắc xin ngừa Covid-19 với sự kiện Thủ tướng Muhyiddin Yassin là người được nhận mũi tiêm đầu tiên. Chương trình tiêm chủng quốc gia của Malaysia chia làm 3 giai đoạn, bắt đầu sớm hơn 2 ngày so với dự kiến và sẽ kéo dài đến tháng 2-2022.

Tại Thái Lan, lô vắc xin đầu tiên gồm 200.000 liều do Công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất đã tới nước này và đã được bàn giao trong một buổi lễ tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi với sự tham dự của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cùng các quan chức cao cấp của Thái Lan.

Châu Âu

Đan Mạch và Thụy Điển thông báo sẽ nới lỏng một số hạn chế vốn được áp dụng nhằm khống chế sự lây lan của dịch Covid-19. Trong khi đó, Bulgaria cho biết sẽ mở cửa trở lại các nhà hàng từ tháng 3 và dỡ bỏ lệnh cấm các hộp đêm từ tháng 4.

Ngày 24-2, Chính phủ Thụy Sĩ xác nhận kế hoạch dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế phòng dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Trong giai đoạn đầu của kế hoạch, các cửa hàng, bảo tàng, thư viện và sở thú sẽ có thể mở cửa trở lại từ ngày 1-3. Các sự kiện ngoài trời với tối đa 15 người cũng sẽ được phép diễn ra - tăng so với giới hạn 5 người đang áp dụng hiện nay.

Trong một tuyên bố, chính phủ tái khẳng định việc nới lỏng các hạn chế một cách thận trọng và dần dần nhằm tạo thêm không gian cho đời sống kinh tế và xã hội, mặc dù thực tế là tình hình dịch bệnh vẫn còn bấp bênh do các biến chủng mới, dễ lây lan hơn của vi rút SARS-CoV-2.

Ngày 24-2, Viện Dược phẩm và trang thiết bị y tế liên bang Đức, cơ quan quản lý hoạt động mua bán và sử dụng dược phẩm của Đức, đã phê chuẩn 3 bộ xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 sử dụng tại nhà. Đây là một phần trong chiến lược của Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nhằm đẩy nhanh công tác xét nghiệm đại trà với mục tiêu đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu này thoát khỏi lệnh phong tỏa đang được áp đặt kể từ giữa tháng 12-2020.

Italia và Hungary đều bác bỏ việc nới lỏng các biện pháp khống chế dịch, trong khi Pháp cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp hạn chế mới tại các địa phương do tình hình dịch Covid-19 có xu hướng xấu đi.

Tương tự, Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis ngày 24-2 cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn "thảm họa" tại các bệnh viện trong những tuần tới.

Châu Mỹ

Theo tài liệu mới do Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ công bố ngày 24-2, vắc xin một mũi của hãng dược phẩm Johnson & Johnson có hiệu quả cao trong việc ngừa Covid-19, bao gồm cả các biến chủng được phát hiện tại Nam Phi và Brazil.

Trong các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn, hiệu quả của vắc xin với những người mắc Covid-19 nặng tại Mỹ là 85,9%, tại Nam Phi là 81,7% và tại Brazil là 87,6%. Dự kiến, một Ủy ban độc lập của FDA sẽ nhóm họp để thảo luận về vắc xin này vào ngày 26-2. Nhiều khả năng vắc xin của Johnson & Johnson sẽ sớm được cấp phép sử dụng khẩn cấp sau đó và trở thành vắc xin ngừa Covid-19 thứ ba được Mỹ cấp phép sử dụng.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Colombia (INVIMA) cho biết, đã phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh).

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Kim Phượng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/992018/so-ca-tu-vong-vi-covid-19-toan-cau-vuot-nguong-25-trieu