Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới gần chạm mốc 44 triệu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 27/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 43.921.215 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.166.543 ca tử vong. Số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 32.252.664 người.

Người dân di chuyển trên đường phố tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân di chuyển trên đường phố tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với 231.193 trường hợp tử vong trong tổng số 8.968.112 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 119.565 ca tử vong trong số 7.949.018 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 157.451 ca tử vong trong số 5.411.550 bệnh nhân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 393.258 ca tử vong trong tổng số 10.992.419 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu 264.878 ca tử vong trên 9.113.729 ca mắc bệnh. Châu Á có 167.080 ca tử vong trong số 10.264.812 ca mắc COVID-19; Trung Đông có trên 57.300 ca tử vong; châu Phi ghi nhận trên 41.500 ca tử vong, và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại dương là trên 1.000 người.

Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân có 104 người không qua khỏi đại dịch này. Tiếp đến là Bỉ (với tỷ lệ 93 người), Tây Ban Nha - 75 người và Bolivia - 74 người.

Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đang tự cách ly.

Trong khi đó, Ba Lan ghi nhận thêm 16.300 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất trong một ngày. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Ba Lan là 263.929 ca, trong đó có 4.483 ca tử vong.

Còn Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier thừa nhận nước này đang phải đối phó với số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân. Hiện số ca nhiễm mới tại Đức đang tăng khoảng 70 - 75% so với tuần trước, ở mức trên 10.000 ca/ngày. Chính quyền thành phố Nuremberg đã quyết định hủy phiên chợ Giáng sinh năm nay do dịch bệnh. Chợ Giáng sinh ở thành phố Nuremberg là một trong những hội chợ lớn và lâu đời nhất ở Đức, thường thu hút trên 2 triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Đan Mạch cũng ghi nhận thêm 1.056 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 - mức cao nhất trong một ngày từ trước tới nay. Số bệnh nhân nhập viện điều trị cũng tăng lên mức cao nhất từ ngày 15/5. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Đan Mạch là 41.412 người, trong đó có 708 ca tử vong. Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng cao, nhà chức trách nước này đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới, từ ngày 26/10. Theo đó, các cửa hàng không được phép bán đồ uống có cồn sau 22h00 và giảm số người được phép tụ tập từ 50 xuống còn 10 người. Bất kỳ ai vi phạm các quy định phòng, chống dịch sẽ bị phạt.

Trong một động thái tương tự, nhà chức trách Nga đã siết chặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có yêu cầu người dân trên khắp cả nước đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng, đồng thời đề nghị các chính quyền địa phương cân nhắc đóng cửa các quán bar và nhà hàng. Theo đó, người dân sẽ phải đeo khẩu trang tại những khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng cấm tổ chức các sự kiện công cộng, đóng cửa các quán bar, nhà hàng từ 23h00 hôm trước đến 6h00 sáng hôm sau. Các quy định trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/10.

Trong những tuần gần đây, số ca mắc mới đã tăng nhanh tại Nga. Hiện Nga đang là nước có số ca nhiễm cao thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil, với trên 1,5 triệu người mắc bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này cũng đã ghi nhận thêm 320 ca tử vong - mức cao nhất trong một ngày từ trước tới nay, đưa tổng số ca không qua khỏi lên 26.589 ca. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đang tự cách ly sau khi có tiếp xúc với một người mắc COVID-19.

Chính phủ CH Séc cũng đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h00 hôm trước đến 4h59 sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 28/10. Trong thời gian này, nếu không có việc cần thiết, người dân sẽ không được phép ra khỏi nhà. Các cửa hàng bán lẻ, trừ trạm xăng và hiệu thuốc, sẽ không được phép bán hàng trong cả ngày Chủ nhật, và trong khung giờ từ 20h00 đến 5h00 vào các ngày khác. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực cho đến khi tình trạng khẩn cấp hết hạn vào ngày 3/11 tới. Tuy nhiên, chính phủ có thể sẽ gia hạn biện pháp này. Tính đến nay, Séc ghi nhận 263.572 ca mắc COVID-19, trong đó 5.613 người vẫn đang phải điều trị.

Tại Anh, nhà chức trách đã ra lệnh cấm tổ chức trò chơi xin kẹo truyền thống của trẻ em trong lễ hội Halloween, diễn ra vào ngày 31/10 sắp tới, tại các khu vực ở vùng England. Do số ca nhiễm tăng cao, trung bình trên 12.000 người/ngày, trong khi số ca tử vong cũng tăng gấp đôi từ ngày 13/10 lên 2.337 người, gây áp lực cho các cơ sở y tế tại bệnh viện, trong hai tuần qua, Chính phủ Anh đã 3 lần siết chặt các biện pháp hạn chế.

Trong khi đó, tại Italy, số ca mắc COVID-19 cũng đang tăng mạnh, buộc Bộ Ngoại giao nước này phải khuyến cáo công dân không thực hiện các chuyến đi đến những nước châu Âu khác.

Tại châu Á, Iran thông báo có thêm 6.968 ca mắc COVID-19 và 346 người tử vong. Đây là ngày có số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất tại quốc gia Trung Đông này trong một tuần trở lại đây. Tính đến nay, Iran ghi nhận tổng cộng 581.824 ca mắc COVID-19, trong đó có 33.299 trường hợp không qua khỏi.

Cùng ngày, Indonesia thông báo có thêm 3.520 người mắc COVID-19 và 101 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lên lần lượt là 396.454 và 13.512. Nước này đã quyết định gia hạn các hạn chế xã hội quy mô lớn tại nhiều thành phố lớn trong vòng một tháng - đến ngày 25/11 tới.

Cũng trong 24 giờ qua, Myanmar đã ghi nhận thêm 1.426 ca mắc COVID-19 và 27 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và những người không qua khỏi tại nước này lên lần lượt là 46.200 và 1.122. Theo giới chức Myanmar, có tới 90% số ca tử vong do mắc COVID-19 ở nước này là người cao tuổi và những người mắc các bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch.

Tại Malaysia, số ca nhiễm mới cũng tăng thêm 835 trường hợp. Hiện quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 28.640 ca mắc COVID-19, trong đó có 238 người tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực đã lóe lên tại Ấn Độ và Philippines khi số ca mắc mới COVID-19 tại các nước này đều giảm mạnh.

Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ thông báo số nước này chỉ có 36.470 người mắc bệnh trong 24 giờ qua. Đây là ngày có số ca mắc mới thấp nhất tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ ngày 18/7. Tính đến nay, Ấn Độ ghi nhận hơn 7,94 triệu ca nhiễm, trong đó có 119.502 người không qua khỏi. Số ca còn dương tính tiếp tục ở mức thấp, với 625.857 ca. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tiếp tục giảm xuống còn 1,5%. Hiện lực lượng chức năng nước này đang nỗ lực để có thể đưa tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm xuống còn 1% và duy trì ở mức này.

Bộ Y tế Philippines cũng thông báo số ca nhiễm mới ở mức thấp nhất trong 2 tuần qua. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này chỉ ghi nhận thêm 1.524 ca mắc COVID-19 và 14 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong lần lượt là 373.144 và 7.053 người.

Ngày 27/10, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật về chi trả toàn bộ chi phí tiêm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 cho tất cả người dân nước này. Dự luật trên nhằm sửa đổi luật vaccine hiện nay và được soạn thảo theo đúng cam kết của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide về đảm bảo vaccine cho tất cả người dân trong nửa đầu năm tới. Chính phủ của Thủ tướng Suga đặt mục tiêu có thể ban hành dự luật ngay trong phiên họp hiện nay của Quốc hội, dự kiến kéo dài đến ngày 5/12 tới. Để thực hiện kế hoạch, chính phủ đã quyết định sử dụng khoản ngân sách lên tới 671,4 tỷ yen (6,4 tỷ USD).

Chính phủ Nhật Bản đã đạt thỏa thuận mua vaccine của hai doanh nghiệp dược phẩm AstraZeneca Plc (Anh) và Pfizer Inc (Mỹ) với khoảng 120 triệu liều mỗi công ty, khi họ bào chế thành công vaccine. Tokyo cũng đang đàm phán với công ty Moderna Inc (Mỹ) để mua ít nhất 40 triệu liều vaccine.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/so-ca-nhiem-virus-sarscov2-tren-toan-the-gioi-gan-cham-moc-44-trieu-20201027223522725.htm