Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới vượt ngưỡng 40 triệu

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 320.561 ca mắc và 3.899 ca tử vong vì đại dịch COVID-19, nâng các con số thống kê được tính tới sáng hôm nay (19/10) lên lần lượt là 40.259.853 và 1.118.095 trường hợp.

Người dân xếp hàng làm thủ tục xét nghiệm COVID-19 tại một bệnh viện ở Toronto, Canada. (Ảnh: Xinuha)

Người dân xếp hàng làm thủ tục xét nghiệm COVID-19 tại một bệnh viện ở Toronto, Canada. (Ảnh: Xinuha)

Tính đến sáng 19/10, đã có 30.095.402 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 9.046.356 ca bệnh đang điều trị, có 8.974.281 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 72.075 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 vùng dịch lớn nhất trên thế giới. Nga đang tiếp tục vượt xa ngưỡng “triệu ca nhiễm” COVID-19, trong khi Argentina, Tây Ban Nha và Colombia đang tiến dần tới con số này.

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 7.003.018 trường hợp, trong đó có 239.047 ca tử vong và 3.202.198 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, "lục địa già" ghi nhận thêm 135.058 ca nhiễm và 884 ca tử vong mới vì COVID-19.

Tối 18/10, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ban hành sắc lệnh mới nhằm siết chặt hơn nữa các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Sắc lệnh cho phép các thị trưởng có quyền ban hành lệnh đóng cửa quảng trường và đường phố ở các khu vực trung tâm đô thị sau 21h nhằm tránh các hoạt động tụ tập đông người; đình chỉ các cuộc họp, hội nghị; điều chỉnh quy trình hoạt động của các phòng tập thể dục, bể bơi; hạn chế thời gian hoạt động của các quán bar... Những biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh được Thủ tướng Italy đưa ra trong bối cảnh số lượng ca nhiễm mới trong những ngày qua tại quốc gia châu Âu này liên tục vượt mức kỷ lục, trung bình hơn 10.000 ca mỗi ngày và đã vượt ngưỡng 400.000 người (đứng thứ 5 khu vực).

Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 54.297 ca nhiễm COVID-19 và 863 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 10.054.815 và 334.666 trường hợp. Sau nhiều tuần liên tiếp, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất tại khu vực và trên thế giới, với tổng số 8.387.046 ca nhiễm và 224.728 ca tử vong vì COVID-19. Sau Mỹ, Mexico là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 đứng thứ 2 ở khu vực, với tổng cộng 847.108 và 86.059 ca ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 198.148 ca nhiễm và 9.760 ca tử vong vì COVID-19.

Tính đến sáng 19/10, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 12.514.589 trường hợp, với 224.017 ca tử vong và 10.890.189 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.400.383 ca bệnh đang điều trị, có 20.783 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ là nước có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong khu vực và trên thế giới, với 55.035 ca, tiếp tục củng cố vị trí “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm (7.547.762 ca). Tiếp đến là Iran và Iraq, với lần lượt số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được tới thời điểm hiện tại là 530.380; 426.634 trường hợp.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục lây lan chưa có điểm dừng, mạng The Tribune ngày 18/10 cho biết, các nhà khoa học hàng đầu Ấn Độ lại tỏ ra "lạc quan" về khả năng nước này có thể kiểm soát được dịch COVID-19 vào đầu năm 2021 nếu tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch hiện tại. Ủy ban quốc gia về COVID-19 của Ấn Độ do Giáo sư M. Vidyasagar của Viện IIT -Hyderabad dẫn đầu cho rằng Ấn Độ đã đạt đỉnh dịch. Ủy ban này cũng cho biết hiện 30% dân số Ấn Độ được cho là đã phát triển kháng thể chống virus SARS-CoV-2 so với tỷ lệ 14% vào cuối tháng 8.

Tuy nhiên, Ủy ban quốc gia về COVID-19 của Ấn Độ cũng lo ngại việc không tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và sát khuẩn trong mùa lễ hội sắp tới sẽ có thể dẫn tới nguy cơ tăng thêm 2,6 triệu ca dương tính trong vòng một tháng. Ước tính, tới tháng 2/2021 - thời điểm dự báo dịch bệnh kết thúc tại Ấn Độ, nước này sẽ có tổng cộng khoảng 10,5 triệu ca mắc COVID-19.

Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 32.626 ca nhiễm và 639 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 8.997.908 trường hợp, với 279.591 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru… với lần lượt 989.680; 959.572; 865.549 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Tính đến sáng 19/10, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 1.655.084 trường hợp, trong đó có 39.807 ca tử vong và 1.361.855 ca bình phục. Trong tổng số 253.422 ca đang điều trị, có 1.850 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 703.793 ca nhiễm COVID-19 và 18.471 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.662 ca nhiễm và 63 ca tử vong. Xếp các vị trí tiếp theo trong bảng thống kê là Ma-rốc, Ai Cập và Ethiopia với lần lượt 173.632; 105.424; 89.137 ca nhiễm bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 11 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 8 ca ở Australia và 3 ca ở New Zealand. Hiện khu vực này ghi nhận 33.718 ca nhiễm và 952 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 27.391 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 3.797 ca./.

Thu Lan

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/so-ca-nhiem-covid-19-tren-the-gioi-vuot-nguong-40-trieu-565981.html