Số ca nhập viện tại Pháp tăng vọt, Na Uy mở rộng phong tỏa thủ đô

Người đứng đầu hội đồng khoa học cố vấn cho chính phủ về các biện pháp ứng phó COVID-19 nhận định nhiều khả năng Pháp sẽ thực thi lệnh phong tỏa thứ ba, sớm nhất vào kỳ nghỉ Đông, bắt đầu từ tháng 2.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Emile-Muller ở Mulhouse, miền Đông Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Emile-Muller ở Mulhouse, miền Đông Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thống kê của Bộ Y tế Pháp ngày 24/1 cho hay nước này đã ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng mạnh với 493 trường hợp kể từ giữa tháng 11/2020 đến nay, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong bệnh viện lên 26.393 người.

Số bệnh nhân điều trị trong khu điều trị tích cực cũng tăng 69 trường hợp, lên 2.965 người. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái.

Trong khi đó, nước Pháp ghi nhận 18.436 ca mắc mới trong 24 giờ qua, thấp hơn so với 23.924 ca của ngày trước đó.

Trước tình hình này, ông Jean-Francois Delfraissy, người đứng đầu hội đồng khoa học cố vấn cho chính phủ về các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19, nhận định nhiều khả năng Pháp sẽ thực thi lệnh phong tỏa thứ ba, sớm nhất vào kỳ nghỉ Đông, bắt đầu từ đầu tháng 2 tới.

Dự kiến, Chính phủ Pháp sẽ nhóm họp trong ngày 27/1 nhằm thảo luận biện pháp bổ sung.

Theo ông Delfraissy, nếu không siết chặt các hạn chế, nước Pháp sẽ rơi vào tình cảnh rất khó khăn từ giữa tháng 3 tới. Ông cho rằng sẽ là hợp lý nếu thực hiện lệnh phong tỏa mới trùng với kỳ nghỉ của học sinh sắp tới và kéo dài kỳ nghỉ này ít nhất thêm 1 tuần nữa.

Học sinh tại Pháp thường có hai tuần nghỉ Đông vào tháng Hai, bắt đầu từ ngày 6/2 tới. Tuy nhiên, ba khu vực tại nước này có thể bắt đầu kỳ nghỉ vào các thời điểm khác nhau, do vậy cả tháng 2 được xem là tháng nghỉ lễ.

Từ ngày 16/1 vừa qua, nước Pháp đã thực thi lệnh giới nghiêm trong ít nhất 2 tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Ông Delfraissy cho hay sự xuất hiện của 3 biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tìm thấy ở Anh, Nam Phi, Brazil và mới đây là bang California (Mỹ), đã làm thay đổi tình hình dịch bệnh trong 3 tuần qua.

Ông Delfraissy cho rằng những biến thể này được xem là làn sóng đại dịch thứ 3. Thống kê cho thấy tỷ lệ số ca mắc biến thể được phát hiện tại Anh ở mức từ 7-9% tại một số khu vực của Pháp, đặc biệt là vùng Paris và giờ tình hình phức tạp hơn khi biến thể mới này lan rộng trong cộng đồng chứ không chỉ từ các ca nhập cảnh.

Quan chức y tế này khuyến nghị tiêm vaccine là cách tốt nhất góp phần ngăn chặn sự lây lan này. Ông cho biết từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4 tới, Pháp sẽ nhanh chóng tiêm chủng cho nhiều người nhất có thể.

Ông Delfraissy dự đoán đến giữa tháng 4 tới, nhiều khả năng từ 6-8 triệu người dân nước Pháp sẽ được chủng ngừa, song cho rằng khó có thể thực hiện mục tiêu tiêm vaccine cho 70 triệu người mà Bộ trưởng Y tế Olivier Veran đưa ra.

Tại Slovenia, cùng ngày, Thủ tướng Janez Jansa thông báo nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể phát hiện tại Anh của virus SARS-CoV-2.

Bệnh nhân là người đến từ vùng lãnh thổ Kosovo và đã có chuyến công tác tại Bỉ trước khi nhập cảnh vào Slovenia.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Ljubljana, Slovenia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngoài ra có 2 trường hợp bị nghi mắc biến thể mới tại nước này trong tổng số 80 người được xét nghiệm. Ông Janez Jansa nhận định nhiều khả năng biến thể mới này đã xuất hiện tại Slovenia một thời gian.

Viện Y tế công cộng quốc gia Slovenia đang có kế hoạch rà soát lại toàn bộ các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện từ ngày 11/1 tại tất cả khu vực trên cả nước nhằm có "bức tranh toàn cảnh" về dịch bệnh tại nước này.

Bộ trưởng Y tế Na Uy Bent Hoeie thông báo mở rộng lệnh phong tỏa tại khu vực thủ đô từ ngày 25/1 để phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo lệnh mới, số vùng đô thị bị phong tỏa tại Na Uy sẽ tăng lên 25, trong đó có 10 khu vực bị phong tỏa từ trước.

Ngày 23/1, thủ đô Oslo và 9 khu đô thị lân cận đã áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt chưa từng có sau khi ghi nhận một ổ dịch biến thể mới của virus SARS-CoV-2, buộc tất cả các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa.

Tuy nhiên, 15 khu vực trong danh sách phong tỏa mở rộng sẽ áp đặt các biện pháp nhẹ hơn do cách xa ổ dịch. Các khu vực này sẽ đóng ít cửa hàng hơn, duy trì mở cửa các trường học và nhà hàng.

Trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ rượu và đồ uống độc quyền tại Oslo sẽ mở cửa trở lại từ ngày 25/1. Lệnh phong tỏa hôm 23/1 đã khiến nhiều chủ cửa hàng phải di dời sang các thị trấn xung quanh nhằm duy trì hoạt động.

Tính đến ngày 24/1, Viện Y tế Công cộng Na Uy cho biết nước này đã phát hiện 70 ca nhiễm biến thể mới ở Anh, tăng 15 ca so với ngày trước đó.

Tại Hà Lan, người dân đã xuống đường biểu tình phản đối các lệnh phong tỏa phòng chống COVID-19.

Một trung tâm xét nghiệm COVID-19 đã phóng hỏa, trong khi cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình ở thành phố Eindhoven, đồng thời điều động vòi rồng và chó nghiệp vụ tại trung tâm thủ đô Amsterdam.

Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Haarlem, Hà Lan trong bối cảnh các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19 được áp đặt. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cuộc biểu tình xảy ra trong ngày đầu tiên lệnh giới nghiêm tại nước này có hiệu lực, kéo dài từ 21giờ đến 4 giờ 30 sáng hôm sau. Đây cũng là lệnh giới nghiêm đầu tiên tại Hà Lan kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Các cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa cũng xảy ra tại một số nước châu Âu khác.

Tại Đan Mạch, 2 người đàn ông đã bị bắt tối 23/1 do đốt bức vẽ chân dung Thủ tướng Mette Fredericksen trong lúc tham gia biểu tình.

Tại Tây Ban Nha, hàng nghìn người dân cũng đã xuống đường phản đối các biện pháp phòng dịch ở thủ đô Madrid./.

Thanh Hương-Minh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/so-ca-nhap-vien-tai-phap-tang-vot-na-uy-mo-rong-phong-toa-thu-do/691402.vnp