Số ca mắc mới tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp đôi sau nới lỏng hạn chế

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 1.592 ca mắc mới và 18 ca tử vong vì COVID-19.

Người dân mua sắm hàng hóa tại một khu chợ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân mua sắm hàng hóa tại một khu chợ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 15/6, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo công dân nước này không nên lơ là cảnh giác khi số ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tăng gấp đôi kể từ đầu tháng này.

Trên tài khoản Twitter chính thức, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 1.592 ca mắc mới và 18 ca tử vong vì COVID-19.

Như vậy, số ca mắc mới hằng ngày đã tăng gấp đôi so với thời điểm ngày 2/6, khi Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 786 ca mắc mới trong vòng một ngày.

Vào giai đoạn đỉnh dịch - tháng Tư vừa qua với trung bình 5.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận hơn 5.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Trong hầu hết các bài chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Koca luôn kêu gọi người dân cảnh giác khi dịch bệnh vẫn còn nguy hiểm. Với chia sẻ mới nhất, ông kêu gọi người dân tuân thủ các quy định về giãn cách và đeo khẩu trang để có thể kiểm soát đà lây lan dịch bệnh.

Số ca mắc mới tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng trở lại trong vài tuần qua khi nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, trong đó cho phép nối lại các hoạt động đi lại trong thành phố, các chuyến bay nội địa, các nhà hàng và quán cafe mở cửa trở lại và chấm dứt biện pháp phong tỏa vào cuối tuần.

Tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tổng cộng gần 180.000 ca mắc bệnh, trong đó có 4.825 ca tử vong.

Cũng trong ngày 15/6, một số quốc gia châu Âu khác vẫn tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách một cách thận trọng.

Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Bucharest, Romania. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại Romania, chính phủ nước này chính thức kích hoạt giai đoạn 3 nới lỏng hạn chế, cho phép các trung tâm thương mại, các sòng bài, bể bơi ngoài trời và trung tâm thể hình mở cửa trở lại.

Theo quyết định mới, các sự kiện hội họp được phép diễn ra nhưng hạn chế tối đa 20 người tham gia với sự kiện trong nhà và tối đa 50 người với sự kiện ngoài trời.

Các dịch vụ như trông trẻ và các lớp học ngoại khóa trong kỳ nghỉ Hè cũng được phép diễn ra nếu đảm bảo các điều kiện mà cơ quan chức năng đặt ra.

Tuy nhiên, các địa điểm như rạp chiếu phim, khu vui chơi và nhà hàng bên trong các trung tâm thương mại vẫn chưa được phép hoạt động trở lại.

Romania tiếp tục nới lỏng hạn chế mặc dù giới chức y tế cảnh báo số ca mắc mới đang có xu hướng gia tăng trở lại trong những ngày gần đây. Hôm 14/6, Romania ghi nhận 320 ca mắc mới, cao nhất trong vòng một tháng qua.

Tương tự, ngày 15/6, thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha cũng đã bắt đầu cho phép các trung tâm thương mại và cửa hàng lớn mở cửa trở lại khi thành phố bước vào giai đoạn 3 nới lỏng hạn chế.

Thành phố này bắt đầu giai đoạn 3 chậm hơn dự kiến 2 tuần do số ca nhiễm mới trong khu vực cao hơn những địa phương còn lại trên cả nước.

Hiện Bồ Đào Nha ghi nhận tổng cộng hơn 37.000 ca mắc bệnh, trong đó có hơn 1.500 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận thêm 346 ca mắc mới, trong đó chỉ riêng ở vùng Lisbon đã phát hiện 300.

Tại Áo, lệnh bắt buộc đeo khẩu trang khi đi mua sắm đã được dỡ bỏ khi cả nước bước vào giai đoạn nới lỏng tiếp theo - giảm các quy định bắt buộc và khuyến khích người dân tự giác bảo vệ sức khỏe.

Hiện hoạt động kinh doanh tại quốc gia này đã gần như trở lại mức bình thường. Tại các trường học, siêu thị và các cửa hàng khác, việc đeo khẩu trang không còn là yêu cầu cầu bắt buộc.

Yêu cầu này chỉ được duy trì tại các cơ sở chăm sóc y tế, nhà thuốc và các đơn vị cung cấp dịch vụ, như tiệm cắt tóc, không thể đảm bảo quy định giãn cách tối thiểu 1m.

Các nhà hàng và quán càphê sẽ được mở cửa cho tới 1 giờ sáng hôm sau từ đầu tuần tới, trong khi hạn chế tối đa 4 người lớn ngồi chung bàn cũng sẽ được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về các biện pháp nới lỏng mới được thực hiện vào thời điểm này, trong đó có một số ý kiến cho rằng cần đợi cho tới khi có một loại vắcxin phòng ngừa bệnh COVID-19 hiệu quả./.

Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/so-ca-mac-moi-tai-tho-nhi-ky-tang-gap-doi-sau-noi-long-han-che/645875.vnp