Số 2 một vị thế, nhiều cảm xúc

Về mặt logic hình thức, số 2 đại diện cho những gì là cái phụ, nhưng cũng là những gì đang tồn tại ở dạng khả năng cạnh tranh, thậm chí có thể thay thế cho cái chính thức, chính thống, cái được đại diện bằng số 1.

Trên “Tinh hoa Việt” số 66, ra ngày 25 tháng 12 năm 2017 có đăng một bài viết khá thú vị của nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ: “Luận về số 2”. Thú vị, vì ngay cả những người “làm ngôn ngữ” – đa phần chúng ta là những người “dùng ngôn ngữ” chứ không phải những người “làm ngôn ngữ” – thì cũng ít ai để ý đến cái thực tế dụng ngữ lắt léo như tác giả bài viết chỉ ra: “So với tất cả những đơn vị định danh chỉ số còn lại, số 2 trong tiếng Việt là đơn vị mang nhiều tên gọi nhất. Có tới 9 đơn vị ngôn ngữ có thể được sử dụng để biểu đạt về số 2, mỗi đơn vị lại mang theo nó những giá trị ngữ nghĩa và cách sử dụng đặc thù, cụ thể gồm có: Hai, Đôi, Nhị, Nhì, Lưỡng, Song, Thứ, Cặp, Đúp”. Và cứ thế, lấy số 2 làm bản vị, tác giả đã khảo “một lèo” số 2 và các từ tương đương trên trục lựa chọn (một khái niệm của nhà thi pháp/ ngôn ngữ học Roman Jacobson), gẩy gót những nét nghĩa vi tế như chúng từng được khai thác và thể hiện sống động, trong đời sống, đặc biệt là trong thơ và trong các ca khúc Việt Nam.

Về phương diện này, tôi “biểu đồng tình” với Đỗ Anh Vũ. Nhưng tôi còn muốn nói đến một điều mà bài viết của Đỗ Anh Vũ đã gợi thêm ra cho tôi: vẫn lấy số 2 làm bản vị, nếu ta nhấc nó khỏi trục lựa chọn ngôn ngữ học và đặt nó vào trục lựa chọn văn hóa/ xã hội học, ta sẽ có một hình dung khác về số 2, một hình dung mang tính phi định lượng. Khi đấy, số 2 chính là một vị thế đối ứng với vị thế của số 1 (và chỉ với số 1 mà thôi, các số còn lại không có ý nghĩa gì hết). Rồi từ sự đối ứng vị thế này, số 2 đã khiên diễn cả một trường của những đồng nghĩa, đồng đẳng: “không phải là lựa chọn đầu tiên”, “kẻ về đích sau, chạm vạch sau”, “kẻ được/ bị xếp ở phía sau, được/ bị khuất mặt”, “rất gần với cái Nhất nhưng vẫn chưa phải là cái Nhất”, “thiếu một chút nữa thì thành hoàn hảo, toàn mỹ, trọn vẹn” v.v…

Nói cách khác, về mặt logic hình thức, số 2 đại diện cho những gì là cái phụ, nhưng cũng là những gì đang tồn tại ở dạng khả năng cạnh tranh, thậm chí có thể thay thế cho cái chính thức, chính thống, cái được đại diện bằng số 1. Số 2, đấy là vị thế của vợ lẽ và con thứ trong các gia đình phụ quyền đa thê lắm hệ lụy ngày xưa, vị thế của á hậu trong các cuộc thi nhan sắc đang mọc lên như nấm sau mưa bây giờ, vị thế của đủ loại cấp phó trong vô số cấu trúc thiết chế xã hội tự cổ chí kim. Nó, số 2, là một vị thế mang nhiều cảm xúc ở những cực đối lập: vừa thỏa mãn trong sự bằng lòng cam chịu bị hòa lẫn và chìm xuống, lại vừa chất chứa nỗi khát khao, sự nỗ lực vượt lên để chiếm lấy vị thế độc tôn “là Riêng, là Thứ Nhất” của số 1 về mình, cho mình.

Dễ nói nhất về số 2 như là vị thế của á hậu – dù chẳng hề có cuộc thi nhan sắc nào được tổ chức trong trường hợp này – theo tôi, là nhân vật Thúy Vân trong “Đoạn trường tân thanh”, tức “Truyện Kiều”, của đại thi hào Nguyễn Du. “Vân xem trang trọng khác vời/ Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang/ Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da/ Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề tài sắc lại là phần hơn/ Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”.

Ngay từ những nét phác thảo hình thức, diện mạo nhân vật, Nguyễn Du đã cho thấy sự khác biệt giữa Thúy Kiều và Thúy Vân. Tả Thúy Kiều, ông chỉ chú ý đến đôi mắt (làn thu thủy) và cặp lông mày (nét xuân sơn), và cũng chỉ chú ý về mặt thần thái cốt tủy của đối tượng, chứ không quan tâm về mặt nhân trắc. Nhưng với Thúy Vân thì gần như Nguyễn Du tả thực: ta hoàn toàn có thể nhận ra trước mắt mình một thiếu nữ vóc người đẫy, da trắng, tóc dài, khuôn mặt tròn, cử chỉ khoan hòa, ít nói. Cái “tướng” ấy của Thúy Vân tuyệt không dẫn dụ những “hờn” với “ghen” như chị của mình. Lẽ dĩ nhiên, ở một tác phẩm tự sự mà ngay từ đầu tác giả đã “rao” rằng sẽ chỉ kể những chuyện “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” thì Thúy Vân, không cách nào khác, chỉ có thể là số 2. Vân như một bầu trời bình yên vô sự và vô vị, một mặt hồ phẳng lặng chẳng nói lên điều gì, một thế giới tự biết đủ và tự bằng lòng với những gì mình có, không hoài nghi, không bất ngờ, không chất vấn, không ước mơ, không oán trách.

Cứ dõi theo Vân trên những bước ngoặt của “Truyện Kiều” thì rõ: đêm trước hôm phải rời nhà để ra đi cùng Mã Giám Sinh, Kiều thì trắng đêm với trăm mối tơ vò, nhưng Vân vẫn vô tư ngủ ngon. Kiều nhờ Vân “đền tình” cho chàng Kim, Vân không một lời thắc mắc. Mười lăm năm Kiều lưu lạc, không thấy Vân có lấy một lời hỏi han tìm chị, nàng còn bận bịu với việc đẻ con sòn sòn (Một cây cù mộc một sân quế hòe). Rồi đến khi hội ngộ, chàng Kim rước Kiều về ở chung để làm… bạn đánh cờ, Vân cũng không một lời phản đối. Trong mối quan hệ tay ba Kim-Vân–Kiều, Vân chỉ giữ chức năng của một kẻ thế thân. Nhưng nàng không hề trăn trở phiền muộn chút nào, mà cũng chẳng sốt sắng vui sướng cho lắm với cái vai thế thân ấy. Nàng chỉ im lặng, hưởng tất cả những gì tốt đẹp mà vốn dĩ nàng không đòi, cũng chẳng cố gắng để có. Có lẽ, chỉ thế cũng đủ để nhận diện Thúy Vân, một số 2 thụ động. Một số 2 bị lẫn vào mẫu số chung tầm thường.

Trường hợp như Thúy Vân là một trường hợp cực hạn của vị thế số 2. Nghịch với cực hạn này, ta sẽ có một kiểu số 2 cực hạn khác, được đặc trưng bằng sự chủ động quyết liệt và tính chất trội bật khác thường của những phẩm chất cá nhân. Nghĩa là, số 2 là vị thế được người ta lựa chọn để nhắm tới, để sở hữu, để bảo vệ, thậm chí để tôn thờ, bằng tất cả năng lực vốn có hoặc có thể có. Quan Vân Trường trong “Tam quốc chí diễn nghĩa” của La Quán Trung là nhân vật thuộc về kiểu vị thế số 2 như vậy. Không phải chỉ vì ông ta vốn là “chú Hai” trong quan hệ kết nghĩa với “bác Cả” Lưu Bị - biết bao nhiêu tấn tuồng, bi có, hài có, đã xảy ra, đủ để cho người ta thấy quan hệ kết nghĩa là sợi dây ràng buộc người với người lỏng lẻo đến thế nào – mà chủ yếu ở cái cách ông ta sống và chết với vai “chú Hai” ấy. Là em, nhưng hơn hết, là thần tử, nên tình cảm của Quan Vân Trường với Lưu Bị đã nhạt đi cái thân mật kiểu “người nhà” để trở nên rất đậm ý thức bổn phận và nghĩa vụ mà quan hệ vua tôi đòi hỏi. Chữ “Trung” chính là cột trụ trong ứng xử của Quan Vân Trường với Lưu Bị. Bằng chữ “Trung”, ông ta có thể ôm kiếm đứng cả đêm ngoài trướng để canh giấc ngủ cho hai chị (phu nhân của Lưu Bị). Bằng chữ “Trung”, khi nghe được tin Lưu Bị còn sống, ông ta có thể gạt phắt sự trọng thị tột đỉnh của Tào Tháo sang một bên, một mình một ngựa kiêu dũng băng qua năm ải chém sáu tướng Tào để trở về hầu cận dưới trướng ông sứ quân xuất thân đan dép.

Nhiều bình luận gia cho rằng Quan Vân Trường đã “quên mình” vì chủ. Nhưng tôi cho rằng, trái lại, Quan hầu luôn biết mình là ai, và luôn sẵn sàng bằng mọi cách, kể cả bằng chính mạng sống của mình, để bảo vệ cái vị thế số 2 mình đang có, cái vị thế là nanh vuốt, là kẻ tâm phúc, là vị hộ pháp, là sức mạnh trấn sơn vô địch của đội quân Lưu Bị. Ông ta tìm thấy giá trị cho sự tồn tại của mình ở chính vị thế ấy. Và từ đấy mới có những hành động anh hùng kiệt xuất, mới đáng để Quan Vân Trường (sau khi “Tam quốc chí diễn nghĩa” ra đời và được phổ biến) trở thành một biểu tượng của lòng trung thành, một vị thần thiêng trong tâm thức dân gian Trung Hoa.

Chọn vị thế số 2, và chỉ số 2 thôi, dù tiềm tàng khả năng trở thành số 1 (nếu muốn), ấy là sự lựa chọn của không ít tên tuổi lớn trong lịch sử, ở mọi lĩnh vực, dĩ nhiên không loại trừ “trường” chính trị/ quyền lực. Các bậc “đế sư” (thầy của vua) là như thế. Với những cá nhân kiểu Phạm Lãi, Trương Lương, thì cái đích mà họ hướng tới, cái tạo sức hấp dẫn cực lớn với họ, không phải là ngôi tôn quân tối thượng thâu tóm mọi quyền lực kia, mà hơn thế nhiều, là cái khoảng tối phía sau ngai vàng, nơi họ có thể thao túng quyền lực, nơi họ được chủ động chơi ván cờ vua chúa. Cờ tàn, sẽ là lúc họ thực hành triết lý “công thành thân thoái”. Đấy là “đế sư” Trung Hoa. Bậc “Đế sư” Việt Nam có hơi khác.

Người quan tâm đến lịch sử Việt Nam – lịch sử Việt Nam như nó được ghi lại trong các tài liệu chính sử - hẳn không sao quên được cú tức giận đã trở thành bất tử của Thái sư Trần Thủ Độ: “Tao chỉ là con chó giữ nhà cho anh em chúng mày mà thôi”. Bối cảnh để câu nói ấy bật ra là lúc Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông, hoàng đế đương kim) và Trần Liễu (anh ruột Trần Cảnh, kẻ dấy binh khởi loạn) đang ôm nhau giãi giề huynh đệ chi tình trên thuyền, thì ông chú Trần Thủ Độ cầm gươm xông vào, la hét đòi “giết thằng giặc Liễu”, và rồi vấp phải sự phản đối quyết liệt dưới hình thức những van vỉ đẫm chất gây mủi lòng. Dẫu thế nào chăng nữa thì câu nói ấy vẫn là một xác nhận của ông Thái sư thét ra lửa: xác nhận cái vai kẻ tòng thuộc, kẻ giúp rập, kẻ ở bề dưới của nhánh họ Trần đang nắm giữ vương quyền. Nhưng nếu ta nhớ, cái vương quyền ấy gần như do một tay Trần Thủ Độ tạo dựng – bằng tất cả tài năng, sự khôn ngoan lọc lõi, sự quyết đoán và tàn nhẫn của một chính trị gia hàng đầu – thì phải thấy rằng xác nhận này không hề biểu đạt ông là một kẻ ở vị thế yếu, một số 2 tiên nghiệm và thụ động. Đấy chính xác là sự đầu tư toàn bộ tham vọng của một cá nhân mạnh vào quyền lợi tối cao của tông tộc mình.

Lẽ dĩ nhiên, không thể không nói đến trường hợp của những số 2 mang khát khao thay đổi thân phận bằng cách vươn lên, lật đổ, và chiếm lĩnh vị thế số 1. Thành hay bại thì còn tùy thuộc vào kích cỡ năng lực và vận may của từng cá nhân cụ thể, nhưng ít ra, trong diễn tiến của lịch sử chính trị/ quyền lực, họ đều lưu khắc dấu vết của những “con người hành động” và đã dám hành động. Họ hành động như tuân theo tiếng gọi của “mệnh lệnh nhất quyết”, hành động như một sự tự thực hiện mình, bất khả thoái thác. Dẫn chứng đương nhiên rất nhiều, nhưng tôi chỉ xin lưu ý đén hai trường hợp: Quang Trung Nguyễn Huệ và Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh.

Một thành và một bại. Nguyễn Huệ chỉ là số 2 của số 1 Nguyễn Nhạc, nhưng chính ông, chứ không phải ông anh Nguyễn Nhạc, đã kiến thiết cả một triều đại vụt sáng như sao băng. Còn Nguyễn Hữu Chỉnh, tác giả của “Trương lưu hầu phú”, kiến trúc sư của sự phá vỡ thế lưỡng đầu chế Lê – Trịnh quái gở, bất chấp những nỗ lực kiệt cùng, vẫn mãi chỉ là số 2 thảm bại của Nguyễn Huệ. Hai con người ấy (cùng với Gia Long Nguyễn Phúc Ánh) như Tạ Chí Đại Trường nhận định, chính là những người đã góp phần tạc nên khuôn mặt đầy biến động của lịch sử Việt Nam hậu bán thế kỷ XVIII.

Hoài Nam

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/so-2-mot-vi-the-nhieu-cam-xuc-tintuc399365