'Smile' - nụ cười điên loạn

Dù nội dung còn quen thuộc, phim kinh dị 'Smile' vẫn khiến khán giả thót tim vì những màn hù dọa được cài cắm hợp lý.

Nhân vật chính trong phim là Rose Cotter (Sosie Bacon), nữ bác sĩ làm việc tại bệnh viện tâm thần. Một lần, cô tận mắt chứng kiến cảnh bệnh nhân tự sát và không thể quên được ký ức đau buồn. Theo thời gian, nhân vật có những biểu hiện mắc chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn), liên tục nhìn thấy những hình ảnh kỳ lạ, thậm chí luôn cảm giác đang bị người khác theo dõi và chơi khăm. Đến khi lật lại sự thật về người bệnh nhân xấu số, Rose mới biết cô dính phải một lời nguyền khủng khiếp mà chưa thể tìm cách hóa giải.

Trong phim, Sosie Bacon vào vai nữ bác sĩ mắc chứng PTSD sau khi tận mắt chứng kiến một bệnh nhân tự tử.

Trong phim, Sosie Bacon vào vai nữ bác sĩ mắc chứng PTSD sau khi tận mắt chứng kiến một bệnh nhân tự tử.

Phong cách kinh dị tâm lý

Smile (Tựa Việt: Cười) là phim điện ảnh đầu tay của Parker Finn. Kịch bản do đạo diễn chấp bút, chuyển thể dựa trên cuốn phim ngắn Laura Hasn't Slept anh thực hiện năm 2000, từng nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình. Nội dung dễ hiểu, được kể theo trật tự tuyến tính thông thường nhưng cách sắp xếp tình tiết hợp lý nên vẫn thu hút.

Để dẫn dắt câu chuyện, đạo diễn lựa chọn phong cách kinh dị tâm lý (psychological horror). Anh đi thẳng vào vấn đề ngay từ đoạn mở màn, cho người xem tận mắt chứng kiến cảnh bệnh nhân của Rose tự sát. Nhân vật dùng một mảnh thủy tinh rạch vào cổ, máu chảy đầm đìa. Gương mặt không để lộ nỗi đau mà trên môi vẫn nở nụ cười điên loạn. Vì những phân đoạn rùng rợn như vậy, phim bị dán nhãn C18 (hạn chế khán giả dưới 18 tuổi) khi ra rạp.

Dù không có nhiều kinh nghiệm, Parker Finn vẫn cho thấy bản lĩnh trong việc xây dựng không khí kinh dị. Sau đoạn mở màn ấn tượng, đạo diễn không lạm dụng cảnh máu me mà chủ yếu hù dọa bằng yếu tố tâm lý. Như tên phim, nụ cười là biểu tượng được sử dụng xuyên suốt nhằm lột tả nỗi ám ảnh kinh hoàng của Rose. Từ hình ảnh in trên chiếc cốc, gương mặt các bệnh nhân cho đến nụ cười quỷ dữ đều dễ khiến người xem ớn lạnh.

Nụ cười trở thành hình ảnh được sử dụng xuyên suốt để tạo cảm giác ghê rợn, ám ảnh.

Xuyên suốt tác phẩm, nhà làm phim đan xen các cảnh quay thực - ảo để tái tạo sự hỗn loạn của người có vấn đề tâm lý. Đôi lúc, khán giả khó thể biết được những gì xảy ra có phải là do Rose tự tưởng tượng hay không. Các cảnh jump scare được sử dụng tiết chế và hiệu quả, dù mô-típ hù dọa còn quen thuộc nhưng vẫn tạo được bất ngờ. Ngoài ra, phần âm thanh, tiếng động cũng được cài cắm hợp lý, duy trì tốt cảm giác hồi hộp ở những cảnh kinh dị.

Điểm trừ quen thuộc

Sau nửa đầu kịch tính, phim dần mất phong độ ở nửa sau. Kịch bản tìm cách khai thác nỗi đau quá khứ của nhân vật chính nhưng không sâu. Mối quan hệ giữa Rose và chị gái được xây dựng qua loa. Việc mẹ cô cũng từng mắc bệnh tâm lý cũng chỉ được nhắc đến trong vài lời thoại. Vì quá tập trung khai thác Rose, tác phẩm chưa xây dựng tốt các nhân vật còn lại. Chẳng hạn, Trevor (Jessie T. Usher) - vị hôn phu của Rose – chỉ xuất hiện thoáng chốc, không đóng góp nhiều vai trò trong câu chuyện. Trái lại, người yêu cũ Joel (Kyle Gallner) được ưu ái với nhiều đất diễn nhưng vẫn mờ nhạt, tính cách không nổi bật.

Với kinh phí vỏn vẹn chỉ 17 triệu USD, khâu sản xuất trong phim không thực sự ấn tượng. Phần lớn bối cảnh còn đơn giản, mang cảm giác của phim truyền hình. Tạo hình ma quỷ cũ kỹ, chưa sáng tạo nhiều so với các tác phẩm cùng dòng. Với phần kỹ xảo vi tính ít được đầu tư, nhân vật phản diện xuất hiện nhưng không gây sợ hãi so với diễn biến tâm lý của Rose.

Bên cạnh đó, ý tưởng về lời nguyền cũng không mới, gợi nhớ nhiều phim kinh dị nổi tiếng như Drag Me to Hell (2009), It Follows (2014), She Dies Tomorrow (2020)... Tác phẩm diễn giải nguồn gốc nỗi ám ảnh lẫn thủ đoạn ma quỷ khá mơ hồ. Cách giải quyết vấn đề còn đi vào lối mòn dẫn đến cái kết dễ đoán, cú twist ở cuối phim không tạo được nhiều bất ngờ.

Sau nửa đầu khá hấp dẫn, phim hụt hơi ở nửa sau và kết thúc không bất ngờ.

Đảm nhận vai chính Rose, Sosie Bacon thể hiện bản lĩnh diễn xuất trong những cảnh nặng về nội tâm. Trước đó, nữ diễn viên chủ yếu gắn với các vai diễn trên truyền hình, nổi bật có series 13 Reasons Why (2017-2020). Lần này, cô thực sự cho người xem cảm nhận những biểu hiện phức tạp của người mắc chứng PTSD. Các cung bậc cảm xúc từ hoảng loạn cho đến đau đớn đều được diễn viên lột tả trọn vẹn trên màn ảnh. Ngoại trừ Sosie Bacon, các diễn viên còn lại đều là những gương mặt không tên tuổi, ít được khán giả biết đến.

Khi ra mắt, tác phẩm được giới phê bình và khán giả đánh giá tốt, nhận chứng chỉ "tươi" trên Rotten Tomatoes với 78% bình chọn và đạt 6.9/10 điểm trên IMDb. Doanh thu phòng vé cũng ấn tượng, hiện đạt hơn 92 triệu USD toàn cầu, dẫn đầu phòng vé tại thị trường Bắc Mỹ trong tuần đầu ra mắt. Với cái kết còn bỏ ngỏ và thành công về mặt thương mại, nhiều khả năng ê-kíp tiếp tục đầu tư sản xuất để biến Smile trở thành thương hiệu kinh dị ăn khách trong tương lai.

Bình Dương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/smile-nu-cuoi-dien-loan-post1477273.tpo