SM-3 đánh chặn tên lửa đạn đạo sau tuyên bố nóng

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) cho biết, lực lượng này vừa thực hiện vụ đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo bằng đạn tên lửa SM-3 Block IIA.

MDA ra tuyên bố cho biết: "Các nhân viên của MDA và Hải quân Mỹ đã điều khiển Tổ hợp thử nghiệm tên lửa Aegis Ashore (AAMDTC) tại Cơ sở ở Kauai, Hawaii, đã thực hiện đánh chặn thành công chuyến bay thử nghiệm tích hợp 03.

Đây là một cuộc thử nghiệm bắn đạn thật hoạt động thể hiện khả năng điều khiển từ xa của Hệ thống vũ khí Aegis để theo dõi và đánh chặn mục tiêu Tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) với một tên lửa đánh chặn tiêu chuẩn SM-3 của Aegis Ashore".

Mỹ phóng tên lửa SM-3 Block IIA.

Mục tiêu của cuộc thử nghiệm là tên lửa IRBM được máy bay vận tải C-17 phóng ngoài khơi Thái Bình Dương. "Cuộc thử nghiệm thành công hôm 11/12 đã chứng minh tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ Mỹ. Ngoài ra, sự kiện này còn có ý nghĩa rất lớn đối với tương lai của SM-3 Block IIA", Giám đốc MDA, Trung tướng Sam Greaves nói.

Được biết, đây là vụ thử SM-3 Block IIA thành công thứ 2 của Mỹ kể từ sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ, ông Trump về việc nước này có kế hoạch rút khỏi Hiệp ước INF với Nga. Vụ SM-3 Block IIA đánh chặn thành công tên lửa IRBM trước đó diễn ra vào cuối tháng 10/2018.

MDA cho biết tên lửa mục tiêu được phóng từ bãi thử tại đảo Kauai thuộc Hawaii đã bị radar AN/SPY-1 phát hiện và theo dõi trước khi bắn hạ. Giám đốc MDA Sam Greaves nhấn mạnh: "Vụ thử nghiệm là thành tựu xuất sắc và cột mốc quan trọng đối với tên lửa SM-3 Block IIA".

Việc MDA đánh giá SM-3 Block IIA đánh chặn được mục tiêu là cột mốc bởi tính đến nay, lực lượng MDA đã thử nghiệm ít nhất 7 lần nhưng chỉ có 2 lần đánh chặn thành công mục tiêu dù quỹ đạo của chúng đã được báo trước.

Theo kế hoạch được Mỹ công bố, tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA sẽ được trang bị trên khoảng 100 chiến hạm Aegis của Hải quân Mỹ bao gồm các tuần dương hạm lớp Ticonderoga, khu trục hạm lớp Arleigh Burke, khu trục hạm lớp Zumwalt... và tất cả các tàu Aegis Nhật Bản khi vũ khí này hoàn thành tất cả các bài thử nghiệm.

Ngoài ra, Mỹ cũng quyết định triển khai tên lửa đánh chặn này đến căn cứ phòng thủ tại Ba Lan.

Dù phản đối kế hoạch của Mỹ nhưng Nga không hề e ngại trước kế hoạch này. Bởi theo nguồn tin quân sự Moscow, họ đang sở hữu những tên lửa đạn đạo Iskander-M có thể khiến mọi nỗ lực đánh chặn của đối phương thành vô nghĩa.

Iskander-M được cho là vũ khí lợi hại nhất của Nga để có thể nhanh chóng vô hiệu hóa các thành thành phần của hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu trong trường hợp lá chắn tên lửa Mỹ đe dọa đáng kể sức mạnh của lực lượng tên lửa răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.

Iskander-M có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 500 km. Như vậy, từ Kaliningrad, tên lửa có thể tiêu diệt hầu hết mục tiêu ở Baltic, ngoài ra, nó có thể tiêu diệt một số mục tiêu ở Đức.

Tuy tên lửa Iskander-M từ Kaliningrad không bắn được tới Romania, nơi Mỹ triển khai các tên lửa đánh chặn SM-3 nhưng tên lửa này đủ khả năng khiến Ba Lan lãnh hậu quả nặng nề một khi xung đột xảy ra.

Ngoài ra, theo các chiến lược gia quân sự Nga, Moscow không có nhu cầu phải vô hiệu hóa các tên lửa đánh chặn ở Romania và cả Ba Lan, bởi vì đằng nào chúng cũng sẽ không thể đánh chặn các tên lửa Nga.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/sm-3-danh-chan-ten-lua-dan-dao-sau-tuyen-bo-nong-3370872/