SLNA xuống dốc không phanh ở V-League

SLNA là biểu tượng đương đại của bóng đá Việt Nam, nhưng đang đối diện nguy cơ xuống hạng sau màn trình diễn tệ hại ở V-League 2021.

Sau 12 vòng, SLNA có 10 điểm, kém vị trí an toàn của CLB Hải Phòng 4 điểm. Đây là khoảng cách chưa lớn, đặt trong bối cảnh giải đấu còn tới 8 vòng. Tuy nhiên, màn trình diễn bệ rạc, bạc nhược và thiếu khát vọng của đội bóng xứ Nghệ cho thấy ngày xuống hạng đã tới rất gần, trừ khi có một cú hích cực lớn dành cho đội chủ sân Vinh.

Văn Đức vẫn chơi xuất sắc với 5 pha lập công. Một mình cầu thủ sinh năm 1996 ghi 71% tổng số bàn thắng cho SLNA, nhưng không kéo nổi đoàn tàu đã trượt bánh.

Sự hiện diện của SLNA trong nhóm nguy hiểm là một bất ngờ. Dù gặp nhiều khó khăn trong những năm qua, nhưng bằng cách này hay cách khác, đội bóng của HLV Ngô Quang Trường luôn về đích an toàn ở V-League. Mùa 2020, SLNA dẫn đầu sau 5 vòng với thành tích vô tiền khoáng hậu: không thủng lưới.

SLNA (áo đỏ) đang rơi tự do.

SLNA (áo đỏ) đang rơi tự do.

Năm 2017, SLNA vô địch Cúp Quốc gia, thi đấu ở AFC Cup và đánh bại JDT - CLB mạnh nhất Malaysia trên sân khách. Sau 4 năm, JDT đang chơi ở AFC Champions League, còn SLNA ở trên chuyến tàu trở về hạng Nhất. Vì sao đội bóng xứ Nghệ đối diện bi kịch này?

Nguyên nhân đầu tiên là tiền bạc. 10 năm qua, SLNA đứng trước hiện tượng chảy máu chất xám không thể ngăn chặn. Những cầu thủ giỏi nhất của đội có quy luật bất thành văn, là cứ đến tuổi 25 sẽ lần lượt chuyển sang những đội bóng khác.

SLNA không có tiền để níu chân những ngôi sao như Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng, Trần Nguyên Mạnh, Trần Phi Sơn, Hồ Khắc Ngọc, Ngô Hoàng Thịnh, Hồ Tuấn Tài...

Đội bóng xứ Nghệ không thể ký với những cầu thủ này hợp đồng với khoản lót tay đủ tốt. Đơn cử như Ngọc Hải nhận 8 tỷ đồng tiền lót tay cho 3 năm thi đấu ở Viettel, đó là con số SLNA nằm mơ cũng không có.

Mùa 2019, Trọng Hoàng từng chờ đợi SLNA đến ngày cuối cùng, nhưng đội bóng xứ Nghệ không thể đáp ứng, khiến tiền vệ sinh năm 1989 chấp nhận ngồi ngoài nửa mùa giải để chuyển sang Viettel.

Trọng Hoàng không thể cống hiến cho SLNA dù rất muốn.

Chi phí lót tay thấp, lương của cầu thủ SLNA cũng ở mức khiêm tốn. Chia sẻ với VTC News, Giám đốc điều hành Hồ Văn Chiêm nói mức lương nhiều cầu thủ SLNA chỉ mon men ở bảy hoặc đầu tám chữ số, vừa đủ duy trì cuộc sống, không thể sung túc như đồng nghiệp ở nhiều CLB khác.

Đời cầu thủ chuyên nghiệp chỉ có 10-15 năm, nên nhiều cái tên dứt áo ra đi tìm kiếm đãi ngộ tốt hơn, dù vẫn còn tình, còn nghĩa với SLNA.

Tuy nhiên, SLNA không giống Ajax Amsterdam hay FC Porto - những đội bóng nổi tiếng "mài ngọc thô" rồi bán với giá cao, cơ chế chuyển nhượng kỳ lạ ở Việt Nam khiến đội bóng xứ Nghệ sẽ mất trắng nếu cầu thủ chuyển sang đội bóng khác.

Thông thường, các cầu thủ sẽ chờ đợi đến khi hợp đồng đào tạo với SLNA đáo hạn rồi chuyển tới CLB mới để nhận tiền lót tay. SLNA không nhận được một đồng chuyển nhượng nào từ ngôi sao mà họ mất công đào tạo rồi trao cơ hội trong nhiều năm.

SLNA phải chiêu mộ tiền đạo "chân gỗ" Felipe Martins.

SLNA lấy tiền đâu để hoạt động nếu không thể chuyển nhượng có lãi? Câu trả lời nằm ở ngân sách địa phương và nhà tài trợ "ruột" là Ngân hàng Bắc Á. Nhưng từ đây, vấn đề thứ hai lộ ra. Đây đều là những khoản thu thụ động. Địa phương và doanh nghiệp cho bao nhiêu, SLNA nhận bấy nhiêu.

Đội bóng xứ Nghệ không có nhu cầu (hoặc không thể) tìm kiếm thêm doanh nghiệp đầu tư cho CLB. Hậu quả là, gói tài trợ của Bắc Á cho đội bóng hẹp đi theo từng năm, khiến quỹ chi tiêu của CLB sụt giảm, nhưng SLNA phải chấp nhận tình thế.

V-League đã khác nhiều so với 10 năm trước, nhưng SLNA vẫn như 20 năm trước. Đội bóng không làm ra tiền, mà chỉ có chức năng tiêu tiền. Mô hình hoạt động cũ kỹ, lạc hậu và nặng tính bao cấp khiến bộ máy SLNA trì trệ, không kịp thích ứng với xã hội hóa bóng đá.

Chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh và HLV Ngô Quang Trường vừa từ chức sau thành tích kém cỏi của đội bóng xứ Nghệ, nhưng đây chỉ là giải quyết phần ngọn.

Cả bộ máy SLNA có vấn đề trong cách vận hành, quản lý và cân đối nguồn thu. Không có đội nào ở V-League như SLNA, đầu tư cho các cấp độ đội trẻ để lấy thành tích an ủi cho... đội 1, đồng thời báo cáo với lãnh đạo tỉnh vào cuối năm. Năng lực và sức cạnh tranh của đội chính vẫn là yếu tố quan trọng nhất của mỗi CLB, song SLNA lại đi ngược.

SLNA giỏi đào tạo trẻ, nhưng đây chỉ là điều kiện cần để sinh tồn. Những năm trước, đội bóng xứ Nghệ còn duy trì được chất lượng đào tạo, nên dàn cầu thủ địa phương đủ sức chèo chống CLB vượt qua những yếu kém, bất cập thượng tầng.

SLNA chỉ thành công với đội trẻ.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhiều trung tâm đào tạo với trang thiết bị hiện đại như HAGL, Viettel, PVF, Hà Nội hay mới đây là Học viện Nutifood khiến SLNA bị cạnh tranh gắt gao ở khâu đầu vào, dẫn đến tài năng cạn dần.

Ngoài ra, mô hình đào tạo truyền thống, thiếu cập nhật quốc tế và đề cao chủ nghĩa kinh nghiệm của SLNA cũng không còn phù hợp để nâng tầm cầu thủ. Sau lứa Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh, SLNA đang "hổng" toàn diện ở thế hệ kế cận, khi hầu hết không chứng minh được năng lực.

Sự kiên nhẫn của CĐV dành cho SLNA đã đến giới hạn. 3 năm qua, sân Vinh luôn vắng vẻ, khi khán giả cạn kiệt niềm tin vào CLB. Thất bại mùa này chỉ như giọt nước tràn ly khi SLNA đã chảy máu chất xám và trượt rất dài trên sườn dốc vinh quang.

Đội bóng xứ Nghệ tự hào với bề dày truyền thống, nhưng lúc này, hào quang quá khứ không còn là thứ "mài ra mà ăn được".

Hồng Nam

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-slna-xuong-doc-khong-phanh-o-v-league-ar610057.html