SLNA câu chuyện về 'những người người gác đền'

Có đến 5 thủ môn Lê Văn Hùng (1992), Dương Văn Cường (1999), Trần Văn Tiến (1994), Hồ Văn Tú (1995), Hồ Viết Đại (2000) tuổi đời từ 20 đến 28. Nhưng rốt cuộc, khi Nguyên Mạnh rời sân Vinh thì SLNA vẫn phải ký hợp đồng với Nguyễn Văn Hoàng (1995) của Sài gòn FC, một điều khá oái oăm.

HLV thủ môn Đức Thắng cùng các học trò tập luyện. Ảnh SLFC.

HLV thủ môn Đức Thắng cùng các học trò tập luyện. Ảnh SLFC.

Xứ Nghệ vẫn được đánh giá là nơi sản sinh ra khá nhiều thủ môn giỏi như Thế Anh, Hồng Sơn. Hiện nay 6/14 thủ môn V.League xuất thân từ mảnh đất này, có thể kể ra đây như Nguyên Mạnh (Viettel), Đức An (Sài Gòn FC), Đức Cường (B.Bình Dương), Văn Công (Hà Nội FC), Văn Cường (Quảng Nam) và cuối cùng là Văn Hoàng (SLNA). Nhưng vì sao SLNA, mấy mùa giải vừa qua vẫn lâm vào cảnh khủng khoảng vị trí người gác đền theo kiểu vừa thừa dự bị, thiếu người bắt chính.

Thiếu người bắt chính

Thực ra không phải đến bây giờ mà mùa giải V.League 2018 khi Nguyên Mạnh bị chấn thương thì không phải Lê Văn Hùng hay Trần Văn Tiến được trao găng mà Phạm Đình Vũ Hải, thủ môn dự bị của Hải Phòng lúc ấy mới là sự lựa chọn của HLV Đức Thắng.

Thủ môn Nguyễn Văn Hoàng, đang bắt chính cho SLNA mùa này. Ảnh SLFC.

Vốn xuất thân từ thủ môn, nên người ta cho rằng sự lựa chọn lúc đó của HLV Đức Thắng dành cho Phạm Đình Vũ Hải (1994) gốc Hà Tĩnh bắt thay Nguyên Mạnh được coi là bất khả kháng. Việc chỉ ra sân tại V.League 2017 có 6 trận cho Hải Phòng nhưng Vũ Hải vẫn được BHL SLNA đặt niềm tin thì khán giả xứ Nghệ bắt đầu lo lắng cho 2 thủ môn lò SLNA là Văn Hùng, Văn Tiến. Khi đó Văn Hùng mới 26 tuổi, còn Văn Tiến 24 tuổi được coi là độ chín nghề nghiệp của 1 thủ môn sau vài năm ngồi ghế dự bị.

Để có thể gia nhập đội 1 SLNA, các thủ môn đã mất 5-7 năm tham gia tập luyện cùng đội trẻ. Không ít người đã bị đào thải vì những lý do ngoài chuyên môn như thủ môn Tống Đức An (Sài Gòn FC) chỉ sau 2 năm tập luyện đã bị BHL đội trẻ SLNA trả về gia đình (2006) do mải chơi game, bỏ tập luyện và phải đi làm lơ xe ở Đồng Nai. Mãi đến năm 2008, nhờ sự giới thiệu của thầy Lê Kỳ Phương mới gia nhập Trung tâm đào tạo trẻ Viettel (tiền thân Sài Gòn FC) và thành đạt.

Hay như thủ môn Văn Công (Hà Nội) đến với khung thành qua lò VSH (do anh em nhà Văn Sỹ Hùng liên kết với Hà Nội T&T lập ở Cửa Lò), còn Văn Cường (Quảng Nam) lại đi qua ngã đội trẻ Quân khu 4 như đàn anh Thế Anh.

Khác với các vị trí khác trên sân, các thủ môn trẻ không có nhiều cơ hội, nếu bị vuột qua, hoặc mắc sai lầm thì ít có điều kiện có mặt ở đội hình chính mặc dù khi còn chơi cho các đội trẻ của SLNA họ đã ít nhiều có thành tích cá nhân. Như thủ môn Lê Văn Hùng chấn thương rách sụn chêm đầu gối chân trái phải “ngồi chơi xơi nước” hết giai đoạn lượt đi V.League 2020. Cơ hội bắt chính cho thủ môn sinh năm 1992 quả là không còn nhiều.

Thủ môn dự bị Trần Văn Tiến (1994). Ảnh SLplus

Tương tự, cơ hội để Trần Văn Tiến ra sân trong vai trò dự bị cho đàn em Nguyễn Văn Hoàng cũng bị thu hẹp lại đáng kể, nếu như không có sự cố gắng vượt bậc trong luyện tập và cần chút may mắn. Ít hơn 1 tuổi nhưng Văn Hoàng đã có 26 trận đấu tại V.League trong 4 năm, trong khi Văn Tiến chỉ có 4 trận, đó là sự cách biệt trong lối sử dụng của 2 BHL. Chưa kể, sau lưng Văn Tiến thì SLNA vẫn còn 3 thủ môn đàn em cũng đã ít nhiều chinh chiến tại các đội bóng khác.

Thừa dự bị

Trong khi đó, Hồ Văn Tú (1995) đã được HLV Trần Công Minh mời về bắt cho Đồng Tháp màu giải 2018 sau khi từng đoạt chức vô địch U17 QG cùng lứa Tuấn Tài, Văn Khánh, Xuân Mạnh, Văn Đức năm 2012 tại Huế. Thủ môn Văn Tú được đánh giá là có khả năng phản xạ tốt, tự tin với các tình huống bóng bổng.

Dương Văn Cường sinh năm 1999, từng thi đấu nổi bật trong màu áo U17, U19 và U21 SLNA tại các VCK gần đây. Đặc biệt, “người gác đền” 20 tuổi đã từng giành danh hiệu “thủ môn xuất sắc nhất” tại VCK U19 QG 2017. Ngoài ra còn phải kể đến thủ môn Hồ Viết Đại sinh năm 2000 và có tên trong danh sách tham dự VCK U21 Quốc gia năm 2018, 2019, đây là thủ môn trẻ có thể hình rất đẹp.

BHL SLNA cũng đã gọi 2 thủ môn trẻ này lên tập cùng đội 1 từ nửa cuối mùa giải năm ngoái, nhưng việc bao giờ được ra sân là điều không ai có thể phán đoán. Đây là thời điểm do mặt sân Vinh khá xấu nên cả 3 thủ môn Nguyên Mạnh, Văn Hùng và Văn Tiến đều lâm vào tình trạng chấn thương khi tập luyện.

Đó là người ta chưa nhắc đến thủ môn Lê Quang Đại, là một trong số những cầu thủ trẻ tài năng gia nhập lò SLNA cùng lứa sinh năm 1993 như Quế Ngọc Hải, Phạm Mạnh Hùng được phát hiện, dìu dắt bởi HLV Nguyễn Thành Công đã rời sân Vinh. Lên đội 1 từ V.League 2016 nhưng dưới cái bóng quá lớn cùng vị trí bất khả xâm phạm của Nguyên Mạnh, Quang Đại chỉ là thủ môn số 3 sau cả người đàn anh Lê Văn Hùng nên anh đành về Phù Đổng, hạng Nhì.

Bao giờ thì thủ môn Hồ Văn Tú (1995) mới có cơ hội bắt chính. Ảnh FBNV

Vài boăn khoăn

Kinh nghiệm thi đấu là cái mà cả 5 thủ môn SLNA hiện nay đều thiếu. Nhưng nếu không được ra sân thi đấu thì không biết đến bao giờ các thủ môn mới có kinh nghiệm, dù tuổi đời như Văn Hùng, không còn trẻ nữa. Đó chính là mâu thuẫn lớn cần một nhà cầm quân có nghề và bản lĩnh mới giải quyết được.

Mùa giải năm ngoái vì lý do thành tích nên dù không tái ký hợp đồng nhưng thủ môn Nguyên Mạnh vẫn phải thi đấu đến những trận đấu cuối cùng, rồi ra đi về Viettel. Nhiều mùa giải, không thể lọt tốp có huy chương, SLNA lâm vào tình cảnh thừa điểm chả để làm gì nhưng cầu thủ nội thì lại không được ra sân thi đấu.

Sau khi chia tay Lê Quang Đại thì SLNA vẫn đang có hiện tượng “dồn toa” vị trí gác đền, đó là sự thật. Ngoại trừ Văn Hoàng rời sân Thống Nhất về SLNA bắt chính thì HLV Ngô Quang Trường vẫn còn có 5 cái tên nữa, ngoại trừ Văn Hùng còn dưỡng thương thì những cầu thủ còn lại đều có thể ra sân.

Chưa kể, mùa giải 2012 thì SLNA đã phải thanh lý hợp đồng với thủ môn Nguyễn Viết Nam vì nghi ngờ cầu thủ này dính tiêu cực trong trận đấu với SHB.Đà Nẵng ngay trên sân Vinh, thua 0-4. Khi đó Viết Nam đã được SLNA ký hợp đồng có thời hạn 3 năm với phí lót tay 5 tỉ đồng.

Trong khi tại V.League có khá nhiều đội bóng mạnh dạn dùng nhiều thủ môn trẻ, có thể kể ra đó là thủ môn Quang Tuấn của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sinh 1996, Văn Toản của Hải Phòng sinh 1999, năm ngoái Viettel dùng thủ môn Thế Tài sinh năm 1996. Nếu so sánh, các thủ môn xứ Nghệ có chuyên môn không hề thua kém nếu được tin dùng.

Đúng là các sử dụng các cầu thủ trẻ nói chung và vị trí thủ môn của đội bóng xứ Nghệ trong thời gian đang có những vấn đề cần mổ xẻ. Kinh nghiệm cho thấy, nếu không xử lý tốt khủng khoảng thừa lại sẽ lâm vào cảnh khủng khoảng thiếu. Đơn giản là do sẽ không nhiều thủ môn trẻ lò SLNA hăng hái tập luyện khi không thấy tương lai đầu ra.

Đông Hùng

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/slna-cau-chuyen-ve-nhung-nguoi-nguoi-gac-den-385014.html