Skype - Lớp học không biên giới với trẻ mầm non vùng khó khăn

Trong thời buổi công nghệ 4.0 giáo dục không còn gói gọn trong lãnh thổ đất nước, với nền công nghệ thông tin hiện đại, với các ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học đã có rất nhiều các lớp học không biên giới mang lại nhiều thành tựu cho việc dạy và học.

Giáo dục mầm non cũng đã dần khẳng định được vị trí nền móng vững chắc trong hệ thống giáo dục quốc dân, việc đổi mới giáo dục, giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm đã và đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực.

Đối với cấp học mầm non đặc biệt là các lớp học mầm non vùng sâu vùng xa thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học là một việc cần thiết, bởi chính những thế mạnh mà công nghệ thông tin mang lại đáp ứng phù hợp với yêu cầu của việc dạy học.

Biết đến Skype vào thời điểm tháng cuối năm học 2017 - 2018, sau khoảng thời gian tìm hiểu về skype và những cách đưa skype vào lớp học một cách hiệu quả, tôi luôn cảm thấy việc sử dụng skype vào lớp học mầm non sẽ mang lại rất nhiều thay đổi đối với việc giáo dục trẻ. Năm học 2018 - 2019 dù còn nhiều bỡ ngỡ với việc sử dụng các tính năng của skype, nhưng tôi đã mạnh dạn sử dụng skype trong lớp học mầm non và đã tạo được nhiều động lực đối với học sinh.

Kết nối skype tạo động lực, cảm hứng cho trẻ

Đối với giáo dục mầm non, đặc biệt đối với giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Việc tạo động lực, cảm hứng cho trẻ tham gia vào tiết học là một vấn đề đang được chú trọng. Khi kết nối Skype học sinh được giao tiếp, với các thầy cô, các bạn. Được quan sát những phong cảnh, lễ hội, địa danh mà ở địa phương trẻ không có. Được giới thiệu những nét văn hóa của địa phương mình và tìm hiểu văn hóa của địa phương khác. Được tham gia những trò chơi. Việc này giúp trẻ có động lực, cảm hứng và hứng thú tham gia vào các hoạt động hơn, trẻ yêu thích việc đến trường đến lớp và tham gia vào các hoạt động một cách nhiệt tình hơn.

Kết nối skype giúp phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ

Đối với trẻ vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, việc giáo dục kỹ năng giao tiếp đối với trẻ là một vấn đề rất khó, vì trẻ sống trong bản làng, giao thông đi lại không thuận tiện, việc gặp gỡ giao tiếp chỉ khép kín trong địa bàn thôn bản, ít khi được tiếp xúc với người kinh, chính vì vậy khi kết nối skype trẻ được giao tiếp bằng ngôn ngữ tiếng Việt với thầy cô giáo, với các bạn ở địa phương khác đã giúp trẻ mạnh dạn tự tin hơn trong giao tiếp.

Bên cạnh việc kết nối với thầy cô giáo, các lớp học tại Việt Nam, việc kết nối với các thầy cô các lớp học nước ngoài, tham gia vào các chuyến tham quan thực tế ảo rất hấp dẫn và lôi cuốn trẻ , giúp trẻ mạnh dạn hơn, tự tin hơn.

Kết nối skype giúp mở rộng vốn hiểu biết về môi trường văn hóa, xã hội

Thay bằng việc dùng tranh ảnh để dạy trẻ làm quen với môi trường xung quanh tôi đã sử dụng skype kết nối và cho trẻ những chuyến tham quan thực tế ảo, trẻ được tham quan các địa danh và được nghe giới thiệu trực tiếp, được đặt ra những câu hỏi, thắc mắc và được giải đáp kịp thời. Đối với trẻ vùng khó khăn việc được đến thăm các địa danh, các khu di tích lịch sử, các sự kiện văn hóa là một điều rất khó thực hiện. Kết nối Skype là một hình thức đưa trẻ được đến thăm các di tích văn hóa, lịch sử, tham gia vào các lễ hội các sự kiện văn hóa giúp trẻ có những cảm nhận sâu sắc hơn và khắc sâu vốn hiểu biết của mình.

Skype chuẩn bị tâm thế cho trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp

Giai đoạn chuyển tiếp hay còn gọi là giai đoạn trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Đối với trẻ 5 tuổi, việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 là một việc hết sức cần thiết bởi khi sang học trường tiểu học môi trường thay đổi, hoạt động chủ đạo của trẻ thay đổi, đây sẽ là bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc đời của trẻ chính vì vậy việc chuẩn bị tâm thế tốt cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 sẽ giúp trẻ không còn bỡ ngỡ và khó khăn khi thay đổi môi trường học. Thông qua việc cộng tác Skype với các giáo viên tiểu học, các lớp học ở trường tiểu học giúp trẻ được làm quen với một số hoạt động của cấp tiểu học, tạo cảm hứng và tâm lý sẵn sàng đi học lớp 1 cho trẻ.

Sau một thời gian sử dụng skype trong lớp học mầm non vùng sâu vùng xa, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối, do đường truyền mạng internet không ổn định, do thiếu thốn các thiết bị cần thiết cho việc kết nối, nhưng đã để lại những dấu ấn sâu đậm đối với học sinh, khi nghe các con nói "Hôm nay được nói chuyện với bạn người Kinh qua cái màn hình rất vui" đó chính là động lực giúp cho những người làm thầy cần cố gắng hơn nữa để khắc phục những khó khăn, tìm ra những hình thức tạo động lực và cảm hứng cho học sinh của mình.

Theo Đỗ Thùy Quyên -Tiếng nói giáo viên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/skype-lop-hoc-khong-bien-gioi-voi-tre-mam-non-vung-kho-khan-3964817-c.html