Síp ký hợp đồng mua hệ thống phòng thủ Vòm Sắt với Israel

Bộ Quốc phòng Síp đã ký hợp đồng với Israel để mua hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt).

Hệ thống Vòm Sắt của Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

Hệ thống Vòm Sắt của Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đài RT (Nga), các bên đã hoàn tất thỏa thuận ngày 19/8, nhưng cả Síp và Israel đều chưa xác nhận công khai.

Tư lệnh Vệ binh Quốc gia Síp, Trung tướng Dimokritos Zervakis đã kiểm tra các khả năng của Iron Dome trong chuyến thăm Israel vào tháng 3. Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó: “Trong chuyến thăm Israel, Tướng Zervakis được cung cấp thông tin tại biên giới phía bắc và kiểm tra một hệ thống phòng không Iron Dome”.

Các thông tin trước đó trên các phương tiện truyền thông Israel và Hy Lạp cho rằng hai quốc gia đã đàm phán về thỏa thuận này ít nhất kể từ đầu năm 2021.

Síp hiện có hệ thống phòng không tầm ngắn (SHORAD) do Tập đoàn Northrop Grumman của Mỹ sản xuất. Theo một số tờ báo, Síp vẫn coi SHORAD là hệ thống phù hợp nhất để chống lại những mối đe dọa cấp bách nhất. Tuy nhiên, lực lượng phòng không Síp cũng ngày càng lo ngại về các máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả máy bay do Bayraktar sản xuất.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia Síp đang muốn mua các hệ thống phòng không của Israel do nhu cầu hoạt động. Nhà sản xuất vũ khí Rafael của Israel quảng cáo Vòm Sắt là một hệ thống có khả năng chiến đấu đã được chứng minh, với hơn 2.000 lần đánh chặn. Hệ thống này có khả năng chống lại tên lửa, đạn cối và đạn pháo hiệu quả cũng như chặn được máy bay, trực thăng và UAV ở cự ly rất ngắn. Ngoài ra, hệ thống còn chặn được các phương tiện bay không người lái.

Hồi cuối tháng 7, Síp và Hy Lạp từng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ gây căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải khi Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị điều một tàu khoan tới khu vực này để tìm kiếm khí đốt tự nhiên. Đảo Síp, nơi bị chia cắt theo ranh giới sắc tộc giữa người Síp gốc Hy Lạp và người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ, là một điểm gây tranh cãi chính giữa hai nước.

Đảo quốc này bị chia cắt vào năm 1974 khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào khu vực phía bắc. Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì hiện diện ở phần phía bắc hòn đảo, nơi tự xưng là Cộng hòa Bắc Síp thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Bắc Síp được cộng đồng quốc tế coi là một phần của Cộng hòa Síp và chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ công nhận nền độc lập của Cộng hòa Bắc Síp.

Vài ngày trước thỏa thuận mua Vòm Sắt giữa Síp và Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ và khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao khi các đại sứ trở lại Tel Aviv và Ankara sau nhiều năm căng thẳng. Không rõ liệu thỏa thuận vũ khí giữa Israel và Síp có ảnh hưởng đến quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/sip-ky-hop-dong-mua-he-thong-phong-thu-vom-sat-voi-israel-20220821083846666.htm