Sinh viên y khoa phải học thêm về nghệ thuật

Những bác sĩ tương lai sẽ là những bác sĩ giỏi khi trong chương trình đào tạo, các sinh viên này được bồi dưỡng khả năng cảm thụ nghệ thuật, các giáo sư từ các trường đào tạo y khoa tại Mỹ đã chứng minh điều này.

Tại sao nhiều trường y yêu cầu sinh viên phải học về hội họa, và bằng cách nào mà nghệ thuật khiến cho các sinh viên y khoa tương lai trở thành những bác sĩ giỏi? Nhận định của các giáo sư từ những trường đào tạo y khoa tại Mỹ đã kiểm chứng thực tế về mối quan hệ này.

Trong những tranh cãi giữa việc thiếu nghệ thuật và giáo dục nhân văn trong chương trình giáo dục STEM, có một số ý kiến cho rằng: những người làm khoa học, kỹ sư, lập trình viên thường thiên về thiết kế sản phẩm để phục vụ cho một mục đích sử dụng nào đó của con người mà không tham chiếu tới những khía cạnh khác. Nếu không có thêm những môn học cần thiết khác như tâm lý học, triết học, xã hội học, văn học… thì sinh viên có thể sẽ xem nhẹ các vấn đề đạo đức và có những thành kiến khiến tình trạng bất bình đẳng xã hội thêm sâu sắc.

Các sinh viên y khoa trong một buổi học nghệ thuật (ảnh: Openculture)

Có thể nói rằng, nếu sai sót đối với công nghệ để lại hậu quả có thể khắc phục được thì sai sót trong lĩnh vực y tế là nghiêm trọng, và thậm chí có thể khiến con người tử vong. Mặc dù nhiều bác sĩ có chuyên môn giỏi nhưng một bác sĩ nếu có một "tâm hồn đẹp" thì sẽ tốt hơn, đặc biệt trong việc lắng nghe những người bệnh. Hiểu về điều này, một số trường đã bắt đầu sử dụng nghệ thuật để thúc đẩy tư duy sáng tạo và sự đồng cảm, cải thiện khả năng kết nối giữa các bác sĩ với bệnh nhân. Theo một Tiến sĩ ngành y cho rằng, những bác sĩ chẩn đoán tốt nhất thực sự là những người biết thông cảm, sẻ chia với người bệnh.

TS. Michael Flanagan, trường Y khoa Penn State, cho biết, một phần quan trọng trong công việc của các bác sĩ là lấy thông tin từ bệnh nhân, với một cách giao tiếp hiệu quả và thiết lập quan hệ với bệnh nhân sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái hơn khi trò chuyện về các triệu chứng, từ đó giúp bác sĩ có thể chẩn đoán và khiến bệnh nhân hài lòng hơn. Nếu nhìn rộng hơn thì việc làm này còn là ranh giới giữa sự sống với cái chết, đau đớn lâu dài với phục hồi nhanh chóng.

TS. Flanagan cũng cho rằng có thể bắt đầu với hội họa, mối quan hệ giữa các bức tranh vẽ theo trường phái ấn tượng với nghệ thuật giao tiếp, các sinh viên y khoa năm thứ tư được yêu cầu tiếp xúc với các tác phẩm của danh họa Vincent van Gogh và Claude Monet với bài tập: từ việc quan sát hãy viết và tưởng tượng ra những gì các họa sĩ ngầm định trong tranh. Với cách này, sinh viên được học cách giao tiếp tốt hơn với bệnh nhân bằng cách phát triển hiểu biết của họ về tâm thần cũng như nhận thức của người bệnh.

Lý giải về việc tại sao nên cho sinh viên y khoa tìm hiểu thêm về nghệ thuật, Giáo sư lịch sử nghệ thuật Nancy Locke cho hay, hiểu biết về nghệ thuật khiến con người nhìn cuộc sống của họ theo nhiều cách nhau. Các bác sĩ chuyên khoa thường chỉ tiếp xúc với những người bệnh có những dấu hiệu của bệnh đó, họ có thể bắt tay vào việc phân loại bệnh nhân và sắp xếp bệnh theo những chẩn đoán ban đầu. Còn đối với một bức tranh trừu tượng sẽ khiến những người xem phải đặt ra những câu hỏi khác nhau, từ đó kích thích phần nào đó trong trí não tưởng tượng của con người.

Một giáo sư khác tại trường Penn, TS. Paul Haidet, cũng đã tổ chức một hội thảo về nhạc Jazz và y học cho các sinh viên y khoa khóa 2014-2015. Ông cho biết, cũng giống như việc các nhạc sĩ jazz mang đến cho người nghe một không gian cảm thụ thì với các bác sĩ, chúng tôi cần phải mang đến một không gian cho người bệnh để họ có thể giao tiếp theo cách riêng của họ. Đó là một trải nghiệm chuyển đổi và không giống như những gì từng có trong các giáo trình giảng dạy.

Không chỉ có hội họa, âm nhạc, nhiều khóa học cảm thụ nghệ thuật khác như văn học, thi ca hiện đại, nhảy múa ngẫu hứng… cũng mang lại những hiệu ứng tương tự. Nhiều trường y khác cũng bày tỏ ý kiến đồng tình với các giáo sư trường Penn. TS. Delphine Taylor, Phó Giáo sư y khoa tại Trung tâm Y khoa Đại học Columbia, nhấn mạnh rằng, một khi các bác sĩ tương lai được đào tạo thêm cả nghệ thuật, họ sẽ có nhận thức đầy đủ về nghề nghiệp của mình. Một số trường đào tạo ngành y cũng cho biết đã đưa nghệ thuật vào chương trình giảng dạy như đại học Yale, Harvard và UT Austin.

Có một thực tế từng được nhiều người biết như một minh chứng về mối liên hệ giữa khoa học với nghệ thuật, nhiều nhà khoa học nổi tiếng cũng rất đam mê văn học, hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc như nhà vật lý Albert Einstein luôn gắn chặt với cây đàn violin của mình. Khi giáo dục phát triển hơn, vì những lý do nào đó (trong đó có các mục tiêu về kinh tế) mà nghệ thuật ít được xem trọng trong các chương trình đào tạo chuyên ngành không liên quan tới nghệ thuật. Thế nhưng, với mục tiêu đào tạo con người toàn diện, có lẽ đến lúc cần xem xét lại về những mối liên hệ này trong các chương trình đào tạo.

Minh Vy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/sinh-vien-y-khoa-phai-hoc-them-ve-nghe-thuat-20181124092829781.htm