Sinh viên vùng lũ xa nhà nỗ lực làm thêm

Lo lắng cho người thân phải gồng mình chống chọi với thiên tai, nhiều sinh viên vùng lũ học tập ở xa nhà, đã và đang nỗ lực tìm kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống, giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình...

Thời gian qua, tình trạng lũ lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung đã gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản. Chính vì thế, nhiều sinh viên vùng lũ, hiện đang học tập tại các thành phố lớn đã gặp phải không ít những khó khăn về tài chính. Chi phí sinh hoạt, tiền đóng học... vốn là những “nỗi lo” đối với phần lớn sinh viên đến từ các tỉnh miền Trung. Trong khó khăn khi thiên tai liên tục tàn phá quê hương thì tài chính càng trở thành gánh nặng với các bạn trẻ. Chia sẻ với người thân đang phải chống chọi với bão lũ, nhiều sinh viên đã và đang cố gắng tìm kiếm việc làm thêm, để trang trải cho cuộc sống, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ đèn sách.

Bạn Lê Thị Yến, ở Thừa Thiên Huế, sinh viên năm cuối, trường Cao đẳng Y tế (Hà Nội) chia sẻ: “Đợt bão, lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế của gia đình, em rất sợ phải gác lại việc học. Xác định bản thân phải tự lực cánh sinh, em quyết định đi làm thêm, thu nhập hàng tháng không nhiều nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ nơi quê nhà...”.

 Bạn Lê Thị Yến đang làm nhân viên tại Nhà sách Tiến Thọ (Hà Nội). Ảnh: NM.

Bạn Lê Thị Yến đang làm nhân viên tại Nhà sách Tiến Thọ (Hà Nội). Ảnh: NM.

Đi học ở xa nhà, bạn Huỳnh Thị Thu Trâm, ở Quảng Nam, hiện là sinh viên năm 3, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, cho biết, trận lũ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của gia đình. Gió mạnh, cùng với mưa lớn khiến mái nhà bị tốc và hư hỏng nặng. Gia cầm, vật nuôi bị nước lũ cuốn trôi. Cây công nghiệp và hoa màu có giá trị buôn bán đều bị quật đổ, cộng thêm sạt lở đất nghiêm trọng nên không thể cứu vãn được. Để sen sẻ gánh nặng với gia đình, Thu Trâm đã làm rất nhiều việc cùng một lúc như: Gia sư, tổng đài viên và nhân viên thu ngân...

Từ Hà Tĩnh ra Hà Nội nhập học chưa được bao lâu, bạn Nguyễn Hoàng Lan, sinh viên năm nhất, trường Đại học Mở (Hà Nội), mới đây đã quyết định đi làm thêm để trang trải cuộc sống. “Biết tin gia đình bị thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ vừa qua, em sợ phải gác lại việc học vì kinh tế khó khăn. Xác định bản thân phải tự lực cánh sinh, em quyết định đi làm thêm. Mới đi làm, thu nhập không nhiều nhưng nếu chi tiêu tiết kiệm thì chắc cũng sẽ ổn và đỡ phải xin tiền của gia đình”.

Áp lực về kinh tế, chi phí sinh hoạt và tiền đóng học... là những khó khăn chủ yếu, khiến nhiều sinh viên vùng lũ xa nhà đang đang phải nỗ lực tìm kiếm việc làm để có thêm thu nhập, san sẻ một phần gánh nặng cho gia đình. Sau khi bão, lũ đi qua quê nhà ở Quảng Bình, quét sạch tất cả ruộng vườn, gia súc, làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của gia đình, bạn Nguyễn Minh Hải, sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã xin làm bảo vệ bán thời gian tại một trường đại học, để có tiền chi trả phí sinh hoạt hàng tháng. Cùng chung nỗi lo lắng, trăn trở của Minh Hải, bạn Trần Như Hùng, cho biết, mặc dù đã đăng ký nhận gói hỗ trợ cho sinh viên vùng lũ của nhà trường nhưng bản thân vẫn cố gắng tìm việc làm thêm. Bởi, tiền hỗ trợ từ nhà trường chưa nhận được ngay mà chi phí sinh hoạt thì ngày một cần thiết.

Phục vụ quán ăn, nhân viên thu ngân... là công việc được nhiều sinh viên lựa chọn. Ảnh: NM.

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, số lượng sinh viên đến từ các tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm đang có xu hướng tăng lên. Anh Trần Văn Đức, Giám đốc một Trung tâm giới thiệu việc làm ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Khoảng chưa đầy 1 tháng trở lại đây, số lượng sinh viên có nhu cầu tìm việc làm thêm tăng gấp 2 đến 3 lần so với bình thường. Trong đó, đối tượng chủ yếu là sinh viên đến từ các tỉnh miền Trung, do kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt mưa bão vừa qua”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc làm đang được nhiều sinh viên vùng lũ tìm kiếm thường là những công việc bán thời gian, không yêu cầu kinh nghiệm như: Phục vụ quán ăn, nhân viên bán hàng, gia sư, phát tờ rơi quảng cáo hay làm cộng tác viên giúp việc hành chính cho các phòng, ban của nhà trường… Thu nhập từ những công việc này thường không cao, chỉ dao động từ 1 - 2 triệu đồng/tháng. Nhưng đối với nhiều sinh viên vùng lũ, có hoàn cảnh khó khăn thì đó là số tiền vừa đủ để có thể trang trải chi phí sinh hoạt, ăn uống và đi lại.

Thiên tai, lũ lụt đã tàn phá nặng nề đến kinh tế của nhiều hộ dân ở dọc các tỉnh miền Trung. Sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như nguồn lực để có thể khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống. Điều đó cũng đồng nghĩa, sinh viên vùng lũ hiện đang học tập tại các thành phố lớn sẽ còn phải đối mặt với muôn vàn những khó khăn.

Có thể thấy, việc sinh viên đi làm thêm vừa tận dụng triệt để quỹ thời gian, vừa tạo ra thu nhập để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, các bạn sinh viên cần sắp xếp, cân đối giữa việc học và đi làm một cách hợp lý. Bởi, nếu quá sa đà vào làm thêm, xao nhãng việc học thì sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập; thậm chí dễ vướng vào tệ nạn xã hội... Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho sinh viên vùng lũ đã và đang chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai, mưa bão, hơn bao giờ hết, các trường đại học trên địa bàn cả nước cần đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ đến sinh viên để các em không bị gián đoạn học tập, nhanh chóng vượt qua khó khăn./.

Bài, ảnh: Ngọc Mai

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/sinh-vien-vung-lu-xa-nha-no-luc-lam-them-567287.html