Sinh viên và những câu chuyện đẹp

Không chỉ học giỏi, nhiều bạn sinh viên còn thể hiện lối sống đẹp hàng ngày trên giảng đường bằng những hành động, việc làm nhân ái, giúp đỡ bạn nghèo, những mảnh đời kém may mắn.

Huyền Chi (ngoài cùng, bên phải) tổ chức gameshow “Con hiểu biết, con an toàn” về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: CTV

Huyền Chi (ngoài cùng, bên phải) tổ chức gameshow “Con hiểu biết, con an toàn” về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: CTV

Xây nhà tặng bạn

Nguyễn Thị Hồng Cúc (sinh viên năm thứ 4, trường ĐH Xây dựng miền Tây) không chỉ nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn của bản thân, vươn lên học giỏi mà còn “đi xin” các mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ những bạn sinh viên đồng cảnh ngộ với mình.

Hồng Cúc (bên trái) xây nhà giúp bạn nghèo. Ảnh: CTV

Cúc là con út trong gia đình có 7 anh chị, em. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Cả nhà sống dựa vào 2 công vườn. Bố là thương binh 2/4, gần như mất hết khả năng lao động, mẹ bị bệnh thấp khớp, suốt nhiều năm nay không thể làm được việc gì. Để được cắp sách tới trường, từ nhỏ, Cúc đã phải nỗ lực vượt bậc so với bạn bè đồng trang lứa. Cúc kể, hồi học phổ thông em đã biết “tiết kiệm nuôi ước mơ tương lai” rồi. Em bỏ ống heo tiền học bổng, tiền thưởng của năm học trước để trang trải chi phí học hành cho năm học tiếp theo.

Vào đại học, mặc dù được miễn học phí nhưng Cúc phải bươn chải làm thêm đủ thứ nghề để tự trang trải cuộc sống, thậm chí còn dư tiền gửi về hỗ trợ bố mẹ. Thời gian biểu một ngày của Cúc: Từ 5 giờ sáng phục vụ quán cà phê; sau đó, đến trường học; tối bưng bê quán cơm, phở. Dù vậy, nhưng Cúc luôn giành kết quả học tập loại giỏi, hiện là Ủy viên BCH T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, bí thư lớp, từng giành giải Nhì thủ lĩnh sinh viên toàn quốc.

Điều đặc biệt, dù hoàn cảnh bản thân khó khăn, nhưng Cúc lại đi vận động bạn bè, các mạnh thường quân hỗ trợ cho các bạn nghèo khác. “Em lớn lên từ nghèo khó, nên rất hiểu, rất thương những bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khác. Đối với họ, để được lên giảng đường học bài không hề đơn giản chút nào”.

Cúc lấy thông tin, chụp hình ảnh gia đình khó khăn của các bạn, rồi viết bức thư ngỏ “đi xin” các mạnh thường quân hỗ trợ. “Ai cho bao nhiêu em cũng nhận, thậm chí là 30 nghìn, 50 nghìn đồng. Bất kỳ ai hỗ trợ gì em đều viết thư cám ơn lại từng người”. Cúc đã vận động hỗ trợ học phí hoàn toàn cho 2 bạn sinh viên trong suốt 5 năm học.

Năm vừa rồi, Cúc xin kinh phí, đóng góp ngày công xây dựng nhà tình bạn cho bạn Vỏ Trúc Ly. “Nhà bạn Ly rất nghèo. Bạn ấy không có bố, chỉ có mẹ bị tật nguyền. Ngôi nhà lá dột nát gần hết. Em huy động được kinh phí 45 triệu đồng, còn công xây dựng do chính bản thân em và các bạn sinh viên trường ĐH Xây dựng miền Tây làm”, Hồng Cúc kể rồi cười phân bua: “Mặc dù là con gái, nhưng “tay nghề” thợ xây của em rất chuẩn đấy”. Vào mùa hè, Cúc cùng các bạn sinh viên trong trường tổ chức các chuyến tình nguyện đi xây nhà cho người nghèo, gia đình chính sách. Trong đội “thợ xây” sinh viên đó, mỗi Cúc là con gái.

Phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ em

Trần Thị Huyền Chi, sinh viên năm thứ 4, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, chủ nhiệm KID+ mang đến câu chuyện về những bạn trẻ hết lòng bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục.

Chi chia sẻ, theo thống kê, cứ mỗi 8 giờ trôi qua, ở Việt Nam, có một trẻ em bị xâm hại tình dục, trung bình cứ 6 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại, cứ 8 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại. “Những đứa trẻ ngây thơ và vô tội nhưng lại phải gánh chịu những nỗi đau thể xác và tinh thần không gì có thể hàn gắn. Trẻ em không thể chấm dứt xâm hại tình dục trẻ em, nhưng người lớn có thể”, Chi nói. Từ những trăn trở làm sao xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em Việt Nam, tháng 5/2017, Huyền Chi đã cùng một nhóm các bạn sinh viên trên địa bàn Hà Nội thành lập nhóm KID+, với dự án phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em.

“Là chủ tịch của nhóm KID+ và là trưởng dự án đầu tiên của nhóm khi hoạt động, những câu chuyện trong suốt hành trình thực hiện dự án khiến chúng tôi chẳng thể nào quên. Có những tình nguyện viên đến với KID+ đã bật khóc nức nở khi chia sẻ câu chuyện bị xâm hại của chính mình và bày tỏ mong muốn, sẽ không còn những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh như mình”, Huyền Chi kể.

KID+ tổ chức hàng loạt hoạt động ý nghĩa về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em: Giảng dạy kiến thức về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, quyền trẻ em, thay đổi tuổi dậy thì; tổ chức tọa đàm “Con hiểu biết, con an toàn” cho phụ huynh; tổ chức gameshow “Con hiểu biết, con an toàn” cho học sinh khối lớp 5, mô phỏng chương trình Rung chuông vàng và triển lãm tranh của chính các em vẽ về chủ đề phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em.

Tháng 12/2017, KID+ lọt vào top 21 dự án được nhận tài trợ từ Chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI). Trong chương trình này, dự án được thực hiện từ 15/2 - 15/10/2018 và KID+ hướng đến nhóm trẻ khiếm thính, khiếm thị với các hoạt động trang bị kiến thức về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em thiệt thòi.

Thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023, nhằm khẳng định giá trị, kết quả của cuộc vận động “Sinh viên Việt Nam - Những câu chuyện đẹp”, ngày 18/11, tại Hà Nội, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức chương trình gặp gỡ sinh viên Việt Nam tiêu biểu trong cuộc vận động “Sinh viên Việt Nam - Những câu chuyện đẹp”. Chương trình có sự tham gia của 49 sinh viên đến từ các trường Đại học, Cao đẳng trong và ngoài nước. Đây là những tấm gương tiêu biểu về nghị lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống; những sinh viên có thành tích cao trong học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động Đoàn, Hội và hoạt động tình nguyện; các tấm gương tiêu biểu trong sáng tạo và khởi nghiệp.

LƯU TRINH

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/sinh-vien-va-nhung-cau-chuyen-dep-1346716.tpo