Sinh viên ưu tiên làm thêm hơn học tiếng Anh

Dù bộ GD-ĐT mới ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc áp dụng cho chương trình đào tạo tại Việt Nam, tương đồng với khung tham chiếu châu Âu, nhưng trước đó nhiều trường ĐH đã thay đổi chương trình theo hướng này. Tuy nhiên nhiều sinh viên vẫn còn tâm lý học đối phó.

Sinh viên thực hành nghe nói tiếng Anh theo nhóm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhiều chuẩn lựa chọn

Năm 2012, ĐH Quốc gia TP.HCM ban hành quy định chứng chỉ tiếng Anh VNU-EPT gồm 14 cấp độ theo các cấp độ Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) áp dụng cho bậc ĐH, sau ĐH.

Chương trình này áp dụng tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM được 2 học kỳ. Tiến sĩ Nguyễn Thái Ân, Phó trưởng bộ môn ngoại ngữ cho biết: “Chuẩn đầu ra của sinh viên trong trường tương đương với bậc 3 của khung năng lực 6 bậc mà Bộ đưa ra dự thảo, và là bậc 7 của VNU-EPT”.

Từ đầu năm 2011, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM ban hành chuẩn đầu ra ngoại ngữ không chuyên - tiếng Anh cho sinh viên (SV) ĐH và CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, tương đương cấp độ B1 CEFR, tương đương bậc 3 khung năng lực 6 bậc của Bộ. Thạc sĩ Đào Đức Tuyên, Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ, Phó trưởng khoa Ngoại ngữ - Sư phạm, chia sẻ: “Bên cạnh kỳ thi đánh giá đạt chuẩn đầu ra B1 do trường tổ chức, trường cũng khuyến khích SV thi lấy các chứng chỉ quốc tế để được xét đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh. Cụ thể là TOEIC 500, TOEFL ITP 400, IELTS 4.5 và PET 70. Cách làm này nhằm đến việc hướng chuẩn đầu ra của SV gần với chuẩn mực quốc tế hơn”.

Đạt chuẩn nhưng vẫn bị đánh giá yếu

Sau một học kỳ áp dụng chuẩn chương trình tiếng Anh của ĐH Quốc gia TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Thái Ân, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết: “Một số giảng viên và SV chưa quen và chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin thường xuyên nên gặp khó khăn khi tích hợp việc dạy - học trên lớp và dạy - học trên thiết bị (như máy tính). SV chưa quen với việc rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ nên chưa có ý thức tự học và luyện tập kỹ năng thường xuyên, bền bỉ”.

Tiến sĩ Ân cũng thừa nhận, phần lớn SV chưa nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh đối với công việc sau này, nên học với tư tưởng đối phó, qua loa. Đồng thời, mặc dù tốt nghiệp, đạt chuẩn đầu ra nhưng vẫn bị nhà tuyển dụng đánh giá tiếng Anh yếu. Các chứng chỉ tiếng Anh thường có giá trị trong khoảng 2 năm, nên nếu không có ý thức học tập rèn luyện đều đặn thì các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ sẽ thui chột rất nhanh.

Hiện tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tổ chức các kỳ thi đầu ra theo chuẩn B1 định kỳ 2 tháng một lần, tỷ lệ đạt của mỗi kỳ thi chỉ khoảng trên dưới 30%. Thạc sĩ Đào Đức Tuyên cho rằng, vẫn có nhiều SV nhận thức rõ tầm quan trọng của tiếng Anh. “Tuy nhiên, do nền tảng tiếng Anh ở phổ thông yếu, nhiều em có thái độ học tiếng Anh ở bậc ĐH chưa tích cực, học để đối phó với kỳ thi đầu ra là chính. Nhiều SV ưu tiên việc làm thêm ngoài giờ học hơn là học tiếng Anh”.

Thạc sĩ Trần Cao Bội Ngọc, Phó phòng Hợp tác quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho hay: “Nhìn chung, thời gian qua chỉ có khoảng 65% SV đủ điểm tiếng Anh để tốt nghiệp, trong đó dưới 10% đủ giỏi để có thể làm việc tại công ty nước ngoài. 35% còn lại phải học lại”. Thạc sĩ Ngọc kể, có nhiều SV lấy lý do này kia để xin miễn học chương trình tiếng Anh tăng cường. Một số em nhận thức nhầm lẫn, cho rằng trường bắt học nhiều để thu tiền, mà không hề biết rằng tiếng Anh có tầm quan trọng như thế nào đối với công việc tương lai. Nhất là khi năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập thì tiếng Anh lại càng cần thiết. Hậu quả là các em học đối phó để lấy điểm chứ không phải học thực sự để áp dụng cho công việc.

Mỹ Quyên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/sinh-vien-uu-tien-lam-them-hon-hoc-tieng-anh-11636.html