Sinh viên thể hiện rõ quan điểm, trách nhiệm với những vấn đề thời sự

Chứng kiến các bạn trẻ bày tỏ sự quan tâm, mong muốn, nguyện vọng cũng như chỉ dẫn, đưa ra kiến thức về những vấn đề thời sự để góp phần định hướng dư luận, thấy điều đó thực sự đáng mừng…

Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi có diễn biến phức tạp, nhiều người dân còn hiểu sai hoặc hiểu chưa đúng về dịch bệnh cũng như cơ chế lây truyền của bệnh, lo ngại bệnh lây sang người; tẩy chay thịt lợn và các chế phẩm từ lợn…, trên mạng xã hội nhiều bạn là sinh viên đang theo học các trường ĐH, đặc biệt là sinh viên học chuyên ngành Thú y- chăn nuôi tại các khối trường nông nghiệp đã bày tỏ rất rõ ràng quan điểm và kiến thức về dịch tả lợn châu Phi để người dân hiểu. Dưới không ít bài báo phản ánh sự lo ngại của người tiêu dùng về thịt lợn, các bạn sinh viên cũng không ngại có phản hồi, bình luận, giải thích về dịch bệnh để giúp người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng thịt lợn nếu thịt đó có nguồn gốc đảm bảo và được kiểm dịch.

Tại nhiều hội nghị đối thoại với sinh viên về vấn đề bình đẳng giới, về sự an toàn cho phụ nữ, trẻ em, về khoa học… các khách mời tham dự đã không khỏi bất ngờ, cảm thấy thú vị và bị thu hút bởi sự thông minh, nhiệt huyết và cũng đầy trách nhiệm của các bạn sinh viên về nhiều vấn đề thời sự, được xã hội quan tâm; trong đó, có không ít vấn đề tưởng chừng là “quá tầm” so với lứa tuổi của các bạn.

 Nữ sinh viên đặt câu hỏi tại một cuộc đối thoại. Ảnh:L.T

Nữ sinh viên đặt câu hỏi tại một cuộc đối thoại. Ảnh:L.T

Cuộc đối thoại do Hội LHPN Việt Nam phối hợp TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức diễn ra mới đây, có 6 nhóm vấn đề được chính các bạn sinh viên đặt ra thảo luận và tìm câu trả lời, đó là: Những vấn đề cơ bản của luật pháp quốc tế và quốc gia về bình đẳng giới; vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới; phân biệt đối xử trong lao động, việc làm - thực trạng và giải pháp; những biểu hiện mới về bạo lực với phụ nữ hiện nay, nhất là bạo lực hẹn hò; lãnh đạo và vai trò ra quyết định của phụ nữ; sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản đối với phụ nữ.

Đặc biệt, trong cuộc tranh luận về vấn đề “Có nên hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục ở Việt Nam?”, sinh viên đến từ 2 đội đã đưa ra những quan điểm rất thuyết phục về những vấn đề liên quan đến luật pháp, chính sách và điều cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Hình sự để tăng mức hình phạt cho hành vi này ở nước ta nhằm đảm bảo tính răn đe. Những điều các bạn đưa ra tại cuộc tranh luận cũng rất trùng lặp với ý kiến của nhiều chuyên gia và dư luận về vấn đề này, nhất là sau khi xảy ra vụ việc kẻ sàm sỡ cô gái trẻ trong thang máy bị CQCA xử phạt 200.000 đồng.

Qua những cuộc tiếp xúc trực tiếp với sinh viên, có thể thấy được ý thức, trách nhiệm của sinh viên với cộng đồng, xã hội ngày càng được nâng cao; thể hiện ở việc vận dụng những kiến thức đã được học vào thực tế cuộc sống để lý giải và nhìn nhận vấn đề vừa cụ thể, vừa thấu đáo. Điều này cũng được ghi rõ trong khẩu hiệu và mục tiêu hành động của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần thứ X đó là: “Xây dựng lớp sinh viên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có trách nhiệm với Tổ quốc; chủ động học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới; có đạo đức, lối sống văn hóa, ứng xử văn minh; tích cực tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội và hội nhập quốc tế”.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/sinh-vien-the-hien-ro-quan-diem-trach-nhiem-voi-nhung-van-de-thoi-su-142100.html