Sinh viên Lào, Campuchia đón Tết ấm áp trên quê hương thứ hai

Nếu như du học sinh Việt Nam thường bồi hồi nhớ bánh chưng xanh, cành đào thắm mỗi độ xuân về, thì những ngày giữa tháng 4, sinh viên Lào, Campuchia xa xứ lại khắc khoải nỗi nhớ những vòng chỉ buộc cổ tay, bông Champa cài trên tóc…

Trò chơi dân gian gắn kết sinh viên ba nước. Ảnh: Báo Vĩnh Long

Trò chơi dân gian gắn kết sinh viên ba nước. Ảnh: Báo Vĩnh Long

Du học xa nhà, nhưng những sinh viên như SaneSaiya Chankoumpha (Lào) và Thạch Khem Ma Rinh (Campuchia) đã có một cái Tết ấm áp ở chính “ngôi nhà thứ hai” của mình: Đại học Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long).

Tết hoa Champa: Ấm lòng người xa xứ

Là mái trường có hơn 100 lưu học sinh Lào, Campuchia đang học tập, nên hàng năm sinh viên Đại học Cửu Long được đón năm mới hai lần: Tết Nguyên đán cổ truyền vào tháng Giêng âm lịch và Tết nước bạn diễn ra vào giữa tháng Tư.

Bunpimay hay Tết cổ truyền Lào bắt đầu từ ngày 13- 15/4 dương lịch, là niềm tự hào, nét văn hóa đặc trưng của xứ hoa Champa. Té nước cầu may, buộc chỉ cổ tay, kết hoa chúc phúc,...là những hoạt động không thể thiếu của dịp lễ hội này.

Để chuẩn bị cho lễ, các bạn sinh viên đã cùng nhau hái những loại hoa thơm, đặt vào thau lớn để ướp nước thơm. Những bông hoa Champa (hoa sứ) cũng được kết thành chuỗi vòng đeo cổ, hoặc cài lên mái tóc theo phong tục truyền thống. “Hoa Champa cài trên đầu để may mắn, còn hoa đeo trên cổ trưởng bối như lời cầu chúc phước lành”, du học sinh SaneSaiya Chankoumpha giải thích

Nghi thức buộc chỉ cổ tay cầu may mắn. Ảnh: Báo Vĩnh Long

Bunpimay tổ chức ở trường ĐH Cửu Long cũng có đầy đủ những nghi thức đón Tết đặc trưng của Lào, đã phần nào làm vơi đi nỗi nhớ quê của những du học sinh như SaneSaiya Chankoumpha. Bạn trẻ này đã xúc động đến rơi nước mắt khi chia sẻ về cảm xúc đón Tết Lào trên đất Việt: “Năm nay, em không về quê vui tết mà ở lại trường cùng các bạn. Xin cảm ơn trường đã tổ chức Tết cho chúng em ngay tại đây, ngôi nhà thứ hai của chúng em.”

Duyên dáng trong trang phục truyền thống Sinh, cài lên mái tóc đóa Champa, MeuangKhoth Chittakone, sinh viên năm thứ nhất, đã mang tới lễ Bunpimay những điệu múa Lào uyển chuyển, mềm mại trong tiết mục văn nghệ mở màn chương trình. “Quê em ở Champhasak rất xa nên chắc lâu lắm em mới về. Hôm nay là ngày cuối năm ở Lào, chắc gia đình em, cha mẹ và ba anh chị em đang ngồi ăn món lạp (món ăn truyền thống của Lào - pv)” cô chia sẻ.

Một phong tục không thể thiếu trong dịp Tết Bunpimay là lễ hội té nước, thay cho lời chúc năm mới tốt lành, may mắn, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, đất nước thanh bình, thịnh vượng. Bên cạnh đó là nghi thức “buộc chỉ cổ tay”, với những vòng chỉ xanh đỏ được chuẩn bị sẵn để buộc vào tay khách với ý nghĩa chúc hạnh phúc và sức khỏe. Không chỉ sinh viên Lào, mà những sinh viên Việt Nam cũng rất yêu thích những phong tục đặc biệt này.

Nói về Tết Bunpimay tại ĐH Cửu Long, Phó Tổng lãnh sự quán Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại TP Hồ Chí Minh Changpheng Sengmany chia sẻ: “Tình hữu nghị Việt- Lào là một tình cảm đặc biệt khó có được trên thế giới. Chúng tôi rất cảm ơn trường cùng như tỉnh Vĩnh Long đã giúp đỡ chúng tôi trong thời gian qua. Những suất học bổng đã tạo điều kiện cho các em học tập, cũng như giao lưu văn hóa”.

Tết Chol Chnam Thmay: Độc đáo văn hóa Khmer

Thạch Khem Ma Rinh là sinh viên năm 2 ngành kế toán. Ngày Tết Chol Chnam Thmay, cậu bạn “đóng bộ” chững chạc trong chiếc áo sơ mi trắng, cà vạt đen. Nói về ngày Tết Campuchia, Ma Rinh kể: “Trong 3 ngày tết cổ truyền, người Khmer luôn mặc quần áo đẹp nhất, được chơi trò chơi dân gian, đi chùa tắm Phật”.

Năm nay, Ma Rinh và các bạn đồng hương nhận nhiệm vụ tổ chức trò chơi dân gian, giới thiệu văn hóa Khmer với các thầy cô, bè bạn trong trường dịp này.

Hiệu trưởng ĐH Cửu Long trao lì xì cho đại biểu, sinh viên nhân dịp Tết. Ảnh: Báo Vĩnh Long

Không khí náo nức của Chol Chnam Thmay đã đem lại sự hào hứng cho đông đảo sinh viên, sau những ngày học tập căng thẳng. Lâm Thị Yến Bình, sinh viên năm nhất ngành Xét nghiệm y học, phấn khởi cho biết: Sau những ngày đầu nhập học còn bỡ ngỡ, bây giờ em đã quen với môi trường mới. Đặc biệt, Yến Bình rất vui khi được ở ký túc xá cùng các bạn dân tộc Khmer, các bạn đến từ Campuchia và Lào.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, nơi có rất đông đồng bào Khmer sinh sống, Chol Chnam Thmay là dịp lễ quen thuộc với Yến Bình và gia đình. Năm đầu tiên đi học xa nhà, cô sinh viên háo hức kể: “Mẹ em đã chuẩn bị gói bánh tét cho lễ hết năm rồi, em thích ăn nhất là bánh tét nhân đậu mỡ. Em cũng muốn ở lại cùng các bạn Lào té nước, đi chùa Phù Ly (ngôi chùa Khmer gần 350 tuổi - pv) ở thị xã Bình Minh”.

Trong khi đó, các lưu học sinh đến từ nước bạn Campuchia và những sinh viên Khmer đã sẵn sàng giới thiệu Tết Chol Chnam Thmay với các bạn bằng chuyến tham quan thị xã Bình Minh, (quê hương của hơn 1.600 đồng bào Khmer) và những ngôi chùa cổ kính ở đây.

Đón Tết ở Việt Nam nên lưu học sinh Lào, Campuchia và sinh viên Khmer còn được lì xì theo phong tục Tết của người Việt. Thích thú với phong tục này, có sinh viên đã nhờ ngay bạn chụp hình mình tạo dáng bên bao lì xì đỏ thắm, để chia sẻ lên facebook khoe với phụ huynh ở quê nhà...

Giản dị nhưng ấm áp, đậm tình cảm, những cái Tết xa quê như thế sẽ là những ký ức đẹp đẽ trong hành trang của các du học sinh từng học tập tại Việt Nam.

Chia sẻ cảm xúc về Tết Chol Chnam Thmay tại ĐH Cửu Long, Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Campuchia tại TP Hồ Chí Minh, ông In-Hen đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Trường ĐH Cửu Long đã tạo điều kiện để lưu học sinh Campuchia, Lào được học tập và vui Tết cổ truyền. "Sự giúp đỡ, tình cảm yêu thương ấm áp này đã vun đắp ươm mầm hữu nghị Việt Nam- Campuchia cho thế hệ kế thừa sau này”, ông khẳng định.

Phi Yến

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/sinh-vien-lao-campuchia-don-tet-am-ap-tren-que-huong-thu-hai-75600.html