Sinh viên Học viện Ngoại giao với ước vọng nghề trong Kỷ nguyên số

Đó là chủ đề buổi tọa đàm sáng ngày 16/1 do Học viện Ngoại giao tổ chức với các tham luận của hai diễn giả chính là Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga và TS Lê Hải Bình - Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao.

Mở đầu cuộc tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã chia sẻ thẳng thắn và cởi mở với các sinh viên Học viện Ngoại giao về một số trải nghiệm trong quá trình công tác. Đại sứ tập trung vào chuyên đề Cách mạng công nghệ 4.0, tác động toàn diện, sâu sắc nhất tới thế giới, và tình hình thế giới bước vào thời kỳ phát triển mới.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nói chuyện với các sinh viên tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Trung Hiếu)

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã giới thiệu khái quát những thành tựu Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, robot và dữ liệu lớn (Big Data), đồng thời tập trung phân tích các yếu tố như nền sản xuất thông minh, xã hội siêu thông minh 5.0, thế giới siêu kết nối, tác động đến cục diện quốc tế chuyển đổi sâu sắc và cuộc cách mạng đào tạo lại nhân lực, nhấn mạnh yếu tố “gia tăng sáng tạo quyết định sự giàu có của quốc gia”. Đại sứ nhấn mạnh, "Thế giới đang ở giai đoạn tốc độ số hóa nhanh, đặc biệt là tốc độ thay đổi 10 năm tới bằng 50 năm vừa qua".

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cũng phân tích xu hướng thị trường việc làm ở Việt Nam, đặc biệt là ở những nhóm ngành nghề chịu tác động thay đổi nhiều nhất và các nhóm ngành nghề có triển vọng phát triển. Đại sứ đã tập trung phân tích các thách thức và cơ hội đối với thanh niên Việt Nam, những áp lực về tri thức, kỹ năng mới để khẳng định giá trị bản thân trước đòi hỏi ngày càng cao của nghề nghiệp và xã hội. Đại sứ đã chỉ ra các tác động đa chiều của xã hội số hóa, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và hội nhập.

Đại sứ khẳng định: “Cơ hội là cơ bản, dài hạn và nhiều hơn trong kỷ nguyên số, được coi là “kỷ nguyên cho thanh niên”. Số lượng thanh niên toàn cầu hiện nay đông đảo nhất trong lịch sử, với hơn 1,8 tỷ thanh niên, trong đó, Việt Nam có 24 triệu thanh niên, và thanh niên chính là lực lượng nòng cốt của giai tầng sáng tạo. Tất cả các yếu tố đang mang lại những cơ hội chưa từng có cho thanh niên: cơ hội học tập, tiếp cận thông tin việc làm, thành đạt sớm, giao lưu quốc tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần…

Đại sứ cũng dành thời gian nói về ước vọng nghề trong Kỷ nguyên số và khả năng lựa chọn nghề ngoại giao dành cho các sinh viên.

TS Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao nói chuyện với các sinh viên tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Trung Hiếu)

TS. Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao phân tích cho các sinh viên về cách thức nuôi dưỡng và hiện thực hóa ước vọng nghề, cụ thể là cách áp dụng “Thuyết con nhím” vào việc lựa chọn ngành nghề đối với những người trẻ.

Ông cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp bản thân cho các sinh viên thông qua những mẩu chuyện súc tích và hóm hỉnh, tạo nên không khí thoải mái, cởi mở cho người nghe.

Cuối buổi tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga và Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Lê Hải Bình đã cùng giải đáp một số câu hỏi của các bạn sinh viên. Buổi tọa đàm kết thúc trong không khí vui vẻ, ấm áp, mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho các sinh viên tham dự.

Cuộc tọa đàm thu hút rất đông sinh viên tham dự. (Ảnh: Trung Hiếu)

Trung Hiếu

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/sinh-vien-hoc-vien-ngoai-giao-voi-uoc-vong-nghe-trong-ky-nguyen-so-85675.html