Sinh viên được và mất từ việc đi làm thêm

Thời điểm này, sinh viên các trường ĐH, CĐ cơ bản đã ổn định vào năm học mới. Không ít sinh viên tìm việc làm thêm không còn là điều lạ. Đi làm thêm vừa có khoản thu nhập, vừa học hỏi và có điều kiện tích lũy được kinh nghiệm. Tuy nhiên, việc làm thêm lại tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường.

Vũ Anh Dũng, sinh viên (SV) năm cuối trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã đi làm thêm được gần 2 năm tại một công ty bất động sản.

Dũng chia sẻ: “Công việc khá phù hợp với em nên chắc sẽ gắn bó lâu dài. Vì công việc yêu cầu làm giờ hành chính, nên để cân bằng với việc học tại trường và thời gian đi làm là rất khó. Do đó em buộc phải đăng kí học các môn sang buổi tối. Nhưng một số môn không đăng kí được, vì vậy khả năng em sẽ ra trường chậm nửa năm so với các bạn mình”.

Làm thêm ở các công ty bất động sản cũng là một lĩnh vực thu hút các bạn sinh viên.

Làm thêm ở các công ty bất động sản cũng là một lĩnh vực thu hút các bạn sinh viên.

Từ ngày đi làm Dũng có thể kiếm đủ tiền chi tiêu cho cuộc sống mà không cần phải xin gia đình nữa. Nhưng đổi lại, thời gian của Dũng dành cho bạn bè và gia đình là rất ít, hầu như các cuộc hẹn tụ tập đều bị hủy. Cũng do đó, Dũng càng không thể tham gia các môn thể thao yêu thích như những năm đầu bước vào trường đại học.

Vừa đi học, vừa đi làm như Dũng, NguyễnThu Nhàn, SV năm 2 trường ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, Nhàn được nhận vào làm part-time ở một siêu thị với yêu cầu làm 5 giờ/ngày. Do phải học trên lớp nên lịch làm việc được chia thành 2 ca, mỗi ca từ 2 đến 3 giờ. Buổi sáng làm tại cửa hàng tới gần trưa rồi về trường đi học. Hết giờ lên lớp lại quay về cửa hàng làm tới tối. Sau đó Nhàn còn đi làm thêm gia sư dạy kèm tới đêm muộn mới nghỉ. Bởi vậy, thời gian gần như kín ngày.

Sinh viên làm thêm tại siêu thị.

Từ ngày đi làm thêm, Nhàn không còn thời gian cho việc học tập nên kết quả ngày càng đi xuống. Hậu quả của việc phân tâm học tập làm cho nhiều môn Nhàn phải thi lại nhiều lần, thậm chí còn phải học lại. Nhận ra điều đó, Nhàn đã quyết định dừng việc đi làm thêm, trở lại tập trung học cho tốt để có tấm bằng trong tay rồi mới tiếp tục tính đến chuyện đi làm.

Mong muốn tích lũy kinh nghiệm sống, rèn luyện kĩ năng mềm và kiếm thêm thu nhập, Nguyễn Trà My, SV trường Học viện Tài chính, đã tìm cho mình việc làm thêm ngay từ những năm đầu ĐH. Đã làm qua rất nhiều việc từ làm nhân viên quán trà sữa đến phục vụ quán ăn, nhà hàng… My cho hay: “Mình thấy công việc làm thêm giúp ích cho mình khá nhiều, mình trở nên mạnh dạn hơn, mở rộng mối quan hệ xã hội, có thêm tiền tiêu mà không phải xin bố mẹ”.

Tuy nhiên, từ ngày làm thêm My không còn điều kiện để tâm đến việc học hành. Những hôm cửa hàng đông khách My còn phải nghỉ học để làm thêm giờ.

Nhiều sinh viên chọn cho mình một công việc làm thêm tại các cửa hàng bán đồ ăn nhanh.

Năm thứ nhất rồi năm thứ hai còn gắng gượng được, nhưng sau đó số môn thi lại càng ngày càng tăng, trước tình huống này My tâm sự: “Giờ mình muốn gác lại việc học để kiếm tiền và tích lũy kinh nghiệm trước. Sau này có chỗ đứng rồi tiếp tục học, bởi dù có học tốt nhưng sau này ra trường không có tiền, không có quan hệ thì có tấm bằng đại học trong tay cũng khó”.

Có thể nói, chuyện đi làm thêm của sinh viên luôn có hai mặt. Không thể phủ nhận việc đi làm thêm từ khi đang còn sinh viên sẽ giúp các bạn có thêm thu nhập, tích lũy kinh nghiệm, năng động, tự tin, giúp rèn luyện kỹ năng làm nhiều việc một lúc, mở rộng quan hệ. Tuy nhiên việc đi làm thêm cũng để lại những hậu quả khó lường trong việc sao nhãng học tập.

Hy vọng các bạn sinh viên hãy sáng suốt lựa chọn hướng đi cho mình phù hợp với khả năng, để có tương lai tươi sáng.

Hoàng Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/sinh-vien-duoc-va-mat-tu-viec-di-lam-them-166846.html