Sinh viên được hỗ trợ để khởi nghiệp: Yêu cầu gắn kết giữa học và hành

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2019-2025, trong đó xác định rõ giá trị yêu cầu của việc gắn kết giữa học tập và thực hành trong quá trình đào tạo. Trước đó, cũng đã có khá nhiều đề án, kế hoạch… nhằm cải thiện chất lượng GDĐH, song đây là lần đầu tiên, một đề án tổng thể về GDĐH nhằm giải quyết căn cơ những hạn chế ở bậc học này được ban hành với một lộ trình dài.

Sinh viên được hỗ trợ để khởi nghiệp.

Phấn đấu 100% sinh viên đạt chuẩn đầu ra

Đề án đặt mục tiêu phấn đấu tiến tới có 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra, kể cả chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm để sẵn sàng tham gia thị trường lao động. Về điều kiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, Đề án phấn đấu 100% giảng viên ĐH có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, trong đó ít nhất 35% có trình độ tiến sĩ; 100% cơ sở GDĐH (đủ điều kiện) thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó khoảng 10% được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín. Đề án cũng đặt ra mục tiêu 100% cơ sở GDĐH thực hiện tốt cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình...

Trên thực tế, chất lượng giáo dục ở bậc ĐH những năm gần đây được đánh giá có nhiều chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn hạn chế, trong đó rõ nhất là “sản phẩm” đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo đánh giá của Bộ GDĐT, những năm gần đây, đa phần sinh viên tốt nghiệp ĐH đều có kiến thức vững vàng, song kỹ năng thực hành còn hạn chế nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động. Bởi vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị được coi là một trong những giải pháp trọng tâm, cũng là nhu cầu cấp thiết của các cơ sở GDĐH.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT) cho biết: Việc nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp trọng tâm sẽ được tập trung triển khai trong giai đoạn từ nay tới năm 2025. Thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ xây dựng các trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại dùng chung cho các cơ sở giáo dục ĐH; thí điểm xây dựng một số làng ĐH quốc tế nhằm thu hút các cơ sở có uy tín của nước ngoài tham gia đào tạo, chia sẻ tài nguyên và hợp tác nghiên cứu khoa học. Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học của các cơ sở GDĐH cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội cũng sẽ được quan tâm đẩy mạnh trong giai đoạn này.

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt- Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, để gắn học với hành một cách có chất lượng, đội ngũ giảng viên phải luôn năng động, cập nhật kiến thức chuyên môn, khả năng ngoại ngữ và tin học nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong quá trình hội nhập quốc tế, tạo ra những “sản phẩm” có chất lượng, đáp ứng thị trường lao động trong và ngoài nước. Việc giảm khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành trong quá trình đào tạo, trong đó có việc thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo ngay khi sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường ĐH cũng là một giải pháp được kỳ vọng sẽ đem lại những chuyển biến về chất lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH.

Kỳ vọng những đổi thay

Tháng 11/2018, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH được Quốc hội khóa XIV của kỳ họp thứ 6 thông qua với nhiều điểm mới, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới. Cùng với Đề án nâng cao chất lượng GDĐH lần này, nhiều kỳ vọng về sự đột phá chất lượng GDĐH đang được nhen nhóm. Theo tổng kết của Bộ GDĐT, Luật này nhằm thúc đẩy sự phát triển của GDĐH như: Xác định rõ hệ thống cơ sở GDĐH; tạo sự bình đẳng giữa cơ sở GDĐH công lập và tư thục; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH; trao thực quyền cho hội đồng trường để trở thành cơ quan quản trị hiệu quả phù hợp thông lệ quốc tế…

TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT) chia sẻ, ông kỳ vọng Luật Giáo dục sửa đổi sẽ đi xa hơn nữa khi có những thay đổi căn bản và giải quyết được những vướng mắc cho giáo dục Việt Nam. So với Luật Giáo dục ĐH cũ, luật sửa đổi lần này khẳng định được quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH rõ hơn, gắn liền trách nhiệm của xã hội hơn khi giải quyết được các câu hỏi: Tự chủ là gì, trách nhiệm giải trình là gì? Đặc biệt, việc thành lập hội đồng trường sẽ giảm thiểu được các tầng lớp độc tài trong giáo dục.

Còn ông Trần Nam Tú- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GDĐT) cho biết, hiện nay tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp trong các nhà trường hiện chiếm khoảng 15% và đang có chiều hướng tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng. Bộ GDĐT đang tiếp tục nghiên cứu để ban hành chính sách hỗ trợ sinh viên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Nhằm cụ thể hóa Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, Bộ GDĐT đã chính thức khởi động đề án với những giải pháp, mục tiêu cụ thể cho từng chặng nhằm tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/doi-moi-giao-duc-dai-hoc-sinh-vien-duoc-ho-tro-de-khoi-nghiep-yeu-cau-gan-ket-giua-hoc-va-hanh-tintuc429409