Sinh viên bươn chải kiếm sống và trải nghiệm

Việc các sinh viên vừa lo học vừa tận dụng thời gian đi làm thêm để kiếm thu nhập là điều đáng quý, thể hiện tinh thần tự lập, gắng sức vượt khó, đỡ gánh nặng cho cha mẹ và cũng là để trải nghiệm cuộc sống.

Chạy Grab không yêu cầu thời gian cố định, do vậy sinh viên có thể kiếm thêm thu nhập bằng chạy Grab bất cứ lúc nào rảnh Ảnh: NGỌC ANH

Chạy Grab không yêu cầu thời gian cố định, do vậy sinh viên có thể kiếm thêm thu nhập bằng chạy Grab bất cứ lúc nào rảnh Ảnh: NGỌC ANH

Sống có ý thức trách nhiệm

Cùng với việc làm gia sư, hiện có nhiều công việc lao động giản đơn cho các sinh viên có thể làm thêm ngoài giờ học, như phụ quán cà phê, quán ăn, tiếp thị quảng cáo, bán hàng, phát hành báo, chạy xe ôm Grab… Hàng đêm, thường thấy ở các quán cà phê, quán nhậu những bạn trẻ phục vụ dù rất tất bật vẫn ráng thể hiện vẻ tươi cười ân cần với khách. Nhiều người trong số đó là sinh viên sắp tốt nghiệp, không bao lâu nữa sẽ trở thành kỹ sư, giáo viên, nhà nghiên cứu… Bạn T.P. (sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, hiện đang làm bán thời gian cho một quán trà sữa tại Làng đại học Thủ Đức) tâm sự: “Tôi đi làm thêm vì muốn tự kiếm tiền đóng học phí. Chi phí cho tôi ăn học chiếm quá nhiều trong khoản thu nhập của ba mẹ ở quê nhà. Do vậy làm thêm là một cách sống có trách nhiệm với gia đình và với chính mình”.

Đi làm thêm cũng là môi trường để sinh viên thực hành, trang bị thêm các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng bán hàng, trải nghiệm cuộc sống. Bạn X.Q. (sinh viên Đại học Đồng Nai, đang làm phục vụ ở một tiệm thức ăn nhanh tại Biên Hòa) cho biết: “Công việc này giúp tôi cải thiện tính cách, trở nên hòa đồng và giao tiếp với mọi người tốt hơn, cảm thấy bản thân trưởng thành và chín chắn hơn”. Còn bạn T.X. (sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM) cho hay: “Tôi muốn học hỏi kinh nghiệm quản lý nhà hàng. Cũng như tôi, nhiều bạn sinh viên kinh tế chọn công việc phục vụ bán hàng để học tập kinh nghiệm quản lý, tiếp xúc và nắm bắt nhu cầu trực tiếp từ khách hàng, phục vụ cho việc khởi nghiệp sau này”.

Chuyện vui buồn của sinh viên làm thêm

Bạn M.H. (sinh viên Đại học Kiến trúc TPHCM) kể: “Công việc của em là chuẩn bị và điều chỉnh các thiết bị âm thanh, ánh sáng cho các buổi hội thảo. Lúc mới vào làm, em cứ lóng nga lóng ngóng với mấy cái nút chỉnh âm thanh, khi lỡ chỉnh sai một nhịp, tất cả những nhịp sau em rối lên và thế là làm ảnh hưởng bài nói của diễn giả. Cuối buổi, em đứng khóc, đến nỗi anh diễn giả phải nhờ những người khác đến an ủi em. Lần hồi, em tìm thấy niềm vui trong công việc khi góp phần giúp chương trình thành công, được làm việc trực tiếp với các diễn giả, được nghe miễn phí bài nói chuyện của họ, cũng học được nhiều thứ, trang bị cho mình nhiều kỹ năng”. Bạn N.H. (sinh viên năm 4 Đại học Khoa học Tự nhiên, làm thêm nghề chạy xe ôm Grab) chia sẻ: “Chạy xe ôm vừa kiếm thêm thu nhập vừa có cơ hội được thêm vốn sống. Có nhiều khách dễ thương, họ ngồi xe mình và kể đủ thứ chuyện cho nghe”.

Từ ghế giảng đường bước vào môi trường làm việc phức tạp, các bạn sinh viên phải đối mặt với rất nhiều điều bức xúc. Bạn T.T. (sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, đang làm thêm ở một quán ăn) chia sẻ: “Công việc của mình là chờ khách gọi món và bưng bê. Nhưng khi quán đông, mình vừa phải bưng bê vừa phải lo luôn việc tạp vụ và cả ra cửa trông xe nữa. Nếu khách phàn nàn vì phục vụ lâu, thì quản lý lại đổ tất cả cho mình, quát tháo mình trước mặt khách”. Bạn X.U. (sinh viên Đại học Sư phạm TPHCM, từng làm ở một quán kem) kể: “Khi chứng kiến cảnh những nhân viên khác trong quán lấy những chiếc ly nhựa khách đã dùng, để đựng nước uống cho khách vào sau mà không tráng rửa lại, mình góp ý rằng làm vậy không đảm bảo vệ sinh, thì quản lý lại nổi giận với mình và dọa trừ lương. Mình bức xúc quá nên nghỉ việc luôn”.

Những chuyện không vui khi làm thêm tại quán còn đến từ phía khách hàng. Bên cạnh những khách hàng hòa nhã, có rất nhiều khách hàng nóng tính, thô lỗ. Có khách đã gọi món nhưng rồi lặng lẽ bỏ đi, vậy là các bạn sinh viên làm phục vụ phải tự bỏ tiền ra đền hóa đơn đó. Một số khách ở quán nhậu còn có những hành động không đứng đắn đối với các nữ phục vụ, bỡn cợt, đụng chạm thái quá. Khi các bạn sinh viên làm phục vụ phản ứng lại thì bị quản lý trách mắng là phục vụ không niềm nở.

Thù lao cho những công việc phục vụ bán thời gian dao động trong khoảng 12.000 - 15.000 đồng/giờ. Những đồng tiền các bạn kiếm được tuy không nhiều, nhưng cũng phần nào tạo thêm động lực để các bạn tiếp tục cố gắng.

NGỌC DIỆP - NGỌC ANH

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/sinh-vien-buon-chai-kiem-song-va-trai-nghiem-447590.html