Sinh viên Bách khoa chế tạo thiết bị giám sát truyền dịch cho bệnh nhân COVID-19

Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, các y, bác sĩ và người nhà bệnh nhân có thể tự giám sát truyền dịch bằng cách quét mã QR. Đó chính là những ưu điểm nổi bật trong đề tài 'Nghiên cứu, ứng dụng bức xạ hồng ngoại trong cảnh báo sớm truyền dịch y tế' do nhóm sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện.

Nhóm gồm 5 thành viên: Nguyễn Văn Hà (K61), Ngô Mạnh Tùng (K62), Trần Việt Cường (K62), Triệu Văn Đức (K61), Phạm Thành Tôn (K61).

Theo nhóm trưởng Nguyễn Văn Hà, cuối tháng 3/2020, dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, y, bác sĩ tại tuyến đầu phải chịu áp lực rất lớn. Tất cả bệnh nhân COVID-19 đều phải cách ly và không có người thân chăm sóc, nên các bệnh viện phải cần nhiều y, bác sĩ hơn.

Mặt khác, khi bệnh nhân truyền dịch, người thân cũng phải theo dõi quá trình truyền. Từ thực tế này, nhóm đã đưa ra ý tưởng sản xuất một sản phẩm giám sát truyền dịch, nhằm giảm vất vả cho y, bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Nhóm sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội với thiết bị ứng dụng bức xạ hồng ngoại cảnh báo sớm trong truyền dịch y tế.

Tuy nhiên, biến ý tưởng thành thực tế khiến nhóm gặp nhiều khó khăn. May mắn, nhóm được TS Cao Xuân Bình cùng các thầy cô giáo là giảng viên Viện Cơ khí, trường ĐH Bách khoa Hà Nội hướng dẫn, hỗ trợ. Các thành viên trong nhóm cũng tham khảo, tiếp thu các ý kiến đóng góp để đưa vào sản phẩm.

Sau gần một năm miệt mài nghiên cứu, với nhiều đêm không ngủ, nhóm bạn trẻ đã tạo ra sản phẩm ứng dụng bức xạ hồng ngoại trong cảnh báo sớm truyền dịch y tế.

“Điểm mới và sáng tạo của sản phẩm này là các thiết bị trong một phòng, một tầng, một khu vực sẽ được liên kết với nhau, nhận tín hiệu từ bộ vi xử lý qua sóng Wi-Fi, thông qua giao thức MQTT (Message Queuing Telemetry Transport). Các thông số sẽ hiển thị trên máy tính ở phòng trực qua phần mềm giám sát và cơ sở dữ liệu tích hợp”, Phạm Thành Tôn cho biết.

Từ đó, nhân viên giám sát sẽ quản lý được tất cả bệnh nhân đang sử dụng bình truyền dịch, bao gồm danh sách các bệnh nhân, loại dung dịch đang được truyền, tốc độ truyền, số lượng bình cần truyền, số lượng bình đã thay… Dữ liệu có thể được trao đổi và theo dõi từ nhiều thiết bị ngoại vi khác nhau.

Bên cạnh đó, thiết bị sẽ hiển thị vận tốc truyền và dự đoán thời gian hết dung dịch để cảnh báo y, bác sĩ cần phải đến thay bình truyền. Với ưu điểm này, một bác sĩ, điều dưỡng có thể chăm sóc cho nhiều bệnh nhân cùng một lúc, tiết kiệm thời gian, sức lực và trên hết là bảo đảm an toàn cho bệnh nhân.

Dương Triều

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sinh-vien-bach-khoa-che-tao-thiet-bi-giam-sat-truyen-dich-cho-benh-nhan-covid-19-post1346877.tpo