Sinh viên Ðà Nẵng với phong trào sáng kiến ứng dụng

Những năm qua, phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) tại Ðà Nẵng đã đạt được nhiều thành công, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Trong đó, nhiều sản phẩm của sinh viên có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.

Hệ thống gieo hạt, làm vườn tự động của nhóm sinh viên Khoa Ðiện, Trường đại học Bách khoa Ðà Nẵng.

Hệ thống gieo hạt, làm vườn tự động của nhóm sinh viên Khoa Ðiện, Trường đại học Bách khoa Ðà Nẵng.

Tại Festival khoa học công nghệ (KHCN) trong sinh viên Ðại học (ÐH) Ðà Nẵng được tổ chức vừa qua, những sản phẩm được chọn trưng bày, triển lãm, giới thiệu tại sự kiện khá phong phú. Các sản phẩm không chỉ dừng lại ở dạng mô hình, trình diễn mà mang tính thực tiễn cao, được đầu tư công phu, nhận được sự quan tâm từ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó nhiều sản phẩm đã được đặt hàng. Không chỉ mang sản phẩm tới giới thiệu, mà sinh viên còn trao đổi thông tin về KHCN; gặp gỡ, giao lưu với các diễn giả là chuyên gia, doanh nhân uy tín. Theo PGS, TS Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc ÐH Ðà Nẵng: Festival KHCN là ngày hội dành cho các sinh viên đam mê sáng tạo khoa học, tìm hiểu những công nghệ mới. ÐH Ðà Nẵng tổ chức sự kiện này nhằm thúc đẩy hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên… Các sản phẩm ứng dụng KHCN trong sáng chế, sáng kiến được triển khai, bằng kiến thức nền vững vàng và sự quan sát, tìm kiếm các đề tài, tạo chuỗi ứng dụng sát với nhu cầu cuộc sống.

Ðối với sinh viên Trường ÐH Bách khoa (Ðại học Ðà Nẵng), phong trào nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo gặt hái được rất nhiều thành công. Một trong những giải thưởng lớn mà sinh viên của trường vừa chiến thắng tại nhiều cuộc thi là sản phẩm “Gậy dò đường thông minh - Smart Walking Cane” dành cho người già, người khuyết tật. Ðây là sản phẩm hướng về cộng đồng, mang tính nhân văn. Sản phẩm là kết quả của nhóm sinh viên dự án DUT với các thành viên học ở nhiều chuyên ngành khác nhau. Gậy dò đường thông minh - Smart Walking Cane được trang bị nhiều cảm biến đo khoảng cách, góc quét đa dạng, phát hiện được vật cản ở nhiều phía trên lộ trình người sử dụng đang hướng đến. Gậy báo cho chủ nhân của mình thông qua các chế độ rung trên tay cầm. Ngoài ra, sản phẩm còn được tích hợp các chức năng, tiện ích khác như: cảnh báo tai nạn, GPS, tự động thông báo về người thân và gia đình khi có sự cố, tai nạn xảy ra. Sinh viên Lê Quốc Tín, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: Trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục tối ưu hóa các chức năng, phần cứng, cũng như thêm một số chức năng cần thiết khác và tiếp tục thử nghiệm sản phẩm trực tiếp với người dùng, tiếp nhận ý kiến, phản hồi để phát triển sản phẩm.

Nghiên cứu “Mô hình thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước” của nhóm sinh viên Trường ÐH Bách khoa do Võ Anh Khoa, sinh viên năm thứ 5, Khoa Cơ khí giao thông làm trưởng nhóm cũng có tính ứng dụng thực tiễn cao. Mô hình được chọn triển lãm tại Festival KHCN trong sinh viên ÐH Ðà Nẵng năm 2019 và được Thành đoàn Ðà Nẵng đặt hàng. Khoa chia sẻ: Khi chứng kiến cảnh rác thải làm ô nhiễm môi trường biển, sông, em muốn góp một phần nhỏ bé cùng cộng đồng làm sạch môi trường sống. Tùy thuộc kích thước và tính năng đi kèm, chi phí để hoàn thiện một chiếc máy hút rác thải trên mặt nước sẽ có giá khác nhau. Hiện, Thành đoàn Ðà Nẵng, Hội Doanh nghiệp trẻ TP Ðà Nẵng đã làm việc, đặt hàng nhóm chế tạo một chiếc thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.

Phong trào NCKH không chỉ là sân chơi cho sinh viên, mà còn góp phần chung vào hoạt động KHCN, sáng tạo khởi nghiệp của TP Ðà Nẵng. Nhiều năm qua, TP Ðà Nẵng đã có sự đầu tư, đẩy mạnh hoạt động NCKH của đoàn viên thanh niên, sinh viên. Riêng năm 2018, Ðà Nẵng phát động cuộc thi sinh viên NCKH với 72 đề tài, giải pháp của gần 200 sinh viên gửi tham gia tranh tài. Kết quả, sinh viên ÐH Ðà Nẵng xuất sắc với 10/11 đề tài, giải pháp đoạt giải.

Bài, ảnh: ANH ÐÀO và NGUYÊN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/40339002-sinh-vien-%C3%B0a-nang-voi-phong-trao-sang-kien-ung-dung.html