Sinh 'thuận tự nhiên' ra đời như thế nào, các chuyên gia Thế giới nói gì về cách sinh nở này?

Sinh 'thuận tự nhiên' là cách sinh nở có từ những năm 70 của thế kỷ 20 và nhanh chóng trở thành vấn đề gây tranh cãi trong giới chuyên gia.

Sinh “thuận tự nhiên” là gì?

Sinh “thuận tự nhiên” là cách sinh nở gây nhiều tranh cãi (Ảnh minh họa)

Sinh “thuận tự nhiên” hay còn gọi là Liên sinh (Lotus Birth), là cách sinh đẻ để dây rốn của trẻ sơ sinh vẫn còn dính vào nhau thai cho đến khi khô và đứt tự nhiên. Dây rốn thay vì được kẹp hoặc cắt đi, lại được để trong bát hoặc túi chuyên dụng nhiều ngày cho đến khi nhau thai ngừng chuyển máu tới trẻ sơ sinh.

Sinh “thuận tự nhiên” ra đời như thế nào?

Ý tưởng cho việc ra đời hình thức Liên sinh (Lotus Birth) xuất hiện năm 1974 tại Mỹ và Úc theo trích đoạn từ cuốn sách "Lightweight Births, Soothes: The wisdom and science of gentle alternatives in carrying Maternity, Birth and Parenting " (Tạm dịch: “Sinh con đơn giản, nhẹ nhàng: Lựa chọn thay thế khôn ngoan và khoa học cho giai đoạn thai sản, sinh nở và nuôi dạy con”) của Tiến sĩ Sarah Buckley.

Sinh “thuận tự nhiên” là lựa chọn để dây rốn tự rụng (Ảnh minh họa)

Trong cuốn sách này, Tiến sĩ Sarah Buckley cho rằng: “Sự ra đời của Liên sinh là hình thức mở rộng và khoa học của sinh con tự nhiên, điều này gợi nhớ về giai đoạn ba của chuyển dạ, đồng thời chúng tôi tôn vinh nhau thai, nguồn dinh dưỡng đầu tiên của trẻ sơ sinh.”

Trong khi chia sẻ về lần sinh nở đầu tiên, cô cảm thấy việc cắt dây rốn của đứa con đầu lòng là trải nghiệm “lạ lẫm và không hề thoải mái”, giống như đang “cắt rời một ngón chân không xương” vậy. Trải nghiệm này khiến cô lo lắng và quyết định không cắt dây rốn cho bé con thứ hai chào đời năm 1993. Cô đặt dây rốn của bé vào một chiếc túi nhung đỏ rồi may lại, và dây rốn đã tự rụng sau 6 ngày. Trong suốt thời gian đó, cô đã tự vệ sinh nhau thai bằng muối và tinh dầu oải hương.

Các chuyên gia thế giới phản hồi như thế nào về sinh “thuận tự nhiên”?

Các bậc cha mẹ hãy lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia để đảm bảo sức khỏe cho bé (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ William Schweizer, phó giáo sư phụ khoa tại OB/GYN và các đồng sự tại Trung tâm Y tế Langone chia sẻ với tờ Live Science rằng, hình thức sinh nở tự nhiên mang theo nguy cơ rủi ro lớn do việc để trẻ sơ sinh tiếp tục kết nối với cơ quan nội tạng (nhau thai).

Tiến sĩ William Schweizercũng cho rằng: “Rủi ro tập trung vào những lo ngại về nhiễm khuẩn nhau thai, tình trạng này có thể sẽ ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.”

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc trì hoãn cắt dây rốn làm tăng nồng độ hemoglobin trong trẻ sơ sinh và tăng lượng sắt dự trữ cho những tháng đầu của em bé. Đối với trẻ sinh non, trì hoãn thời gian ngắn trước khi cắt dây rốn giúp cải thiện quá trình tuần hoàn máu cũng như giảm nhu cầu truyền máu.

Tuy nhiên, Tiến sĩ William Schweizer cũng chia sẻ thêm với tờ Live Science rằng trì hoãn 60 giây là chuyện hoàn toàn khác với cách thức để mặc dây rốn tự rụng.

Ông cho rằng một khi máu được truyền đến trẻ sơ sinh – việc kéo dài thời gian chờ đợi dây rốn tự rụng là "không có giá trị y khoa”.

Bên cạnh đó, trước lo ngại bởi những báo cáo về gia tăng các ca sinh nở tại Vương quốc Anh năm 2008, trường Cao đẳng Sản Phụ khoa Hoàng gia (RCOG) đã tuyên bố: “Chưa có nghiên cứu nào được thực hiện trên Liên sinh và hiện cũng không có bằng chứng y khoa chứng minh Liên sinh mang lại lợi ích cho em bé.”

Tổ chức này cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh lựa chọn hình thức Liên sinh cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của trẻ sơ sinh, nhằm kịp thời phát phiện các biểu hiện nhiễm trùng.

Video: Bộ Y tế lý giải các vấn đề liên quan đến sinh "thuận tự nhiên"

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/sinh-thuan-tu-nhien-ra-doi-nhu-the-nao-cac-chuyen-gia-the-gioi-noi-gi-ve-cach-sinh-no-nay-d125067.html